Như Thanh Niên thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, Hà Nội và TP.HCM triệt phá đường dây sản xuất thuốc giả quy mô rất lớn do Trịnh Doãn Giáo (40 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ tại chung cư Hapulico, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Ngoài Giáo, Đạt còn có 12 nghi phạm khác bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Tổng số thuốc giả thu giữ là hơn 39.500 hộp thuốc, trên hộp ghi tên các loại thuốc như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion, nhức khớp tê bại hoàn, thoái hóa nhức khớp hoàn plus; thoái hóa tọa cốt đơn…
Công an còn thu giữ 142 kg các loại thuốc đã đóng viên nhưng chưa đóng gói, nhiều nguyên liệu làm thuốc, hơn 18.000 vỏ hộp thuốc, và nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả. Tổng trọng lượng các loại thuốc và nguyên liệu làm thuốc thu giữ được khoảng gần 10 tấn.
Hành vi vô lương tâm
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc trước hành vi vô lương tâm, coi thường sức khỏe và tính mạng người khác của những đối tượng này. "Việc sản xuất và lưu hành thuốc giả là hành vi vô đạo đức, chà đạp lên niềm tin và sự sống của cộng đồng. Việc xử lý thích đáng, nghiêm minh là hoàn toàn cần thiết", BĐ Phúc Sơn lên án.

13 trong số 14 bị can bị bắt giữ, cùng tang vật vụ án
ẢNH: CÔNG AN THANH HÓA
Cùng quan điểm, BĐ Thanh Trần cho rằng với số nguyên liệu và thuốc giả lớn như vậy thì số người bệnh phải gánh chịu thiệt hại kép - vừa mất tiền vừa rước thêm bệnh tật, chắc chắn là vô cùng lớn và khó có thể thống kê hết. "Đây là tội ác, trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng những người đang tìm kiếm phương pháp chữa trị. Cần nghiêm trị những người này với bản án nghiêm khắc nhất", BĐ này ý kiến thêm.
Còn BĐ Thăng Long viết: "Đây là việc làm phi nhân tính, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của đông đảo người dân. Những người bệnh đã sử dụng nhầm loại thuốc giả này không những không được chữa khỏi mà còn bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị, nguy cơ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra".
"Ngoài xử lý nghiêm loại tội phạm này, mong cơ quan chức năng hành động quyết liệt hơn", BĐ Kim Phú ý kiến.
Cần bản án nghiêm khắc
Theo BĐ Xuân Minh, đây là hành vi vô cùng nguy hiểm đối với xã hội. "Thuốc giả mang đến những hệ lụy khó lường cho sức khỏe người dân. Đơn cử, người bệnh uống phải kháng sinh giả không những không khỏi bệnh mà còn có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Pháp luật cần trừng trị thích đáng những kẻ gây ra tội ác này", BĐ này ý kiến thêm.
Tương tự, BĐ Quốc Trung viết: "Theo quan điểm của tôi, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự một cách nghiêm khắc nhất, và trong những trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, việc xem xét truy cứu tội giết người là hoàn toàn có cơ sở để răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật".
"Để ngăn ngừa hiệu quả tình trạng sản xuất và lưu hành thuốc giả, bảo đảm quyền lợi và sức khỏe của cộng đồng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đồng thời chú trọng nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn và sử dụng dược phẩm một cách an toàn và hợp lý", BĐ Văn Chiến ý kiến.
Cần áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này để răn đe những kẻ có ý định phạm pháp tương tự.
Phuc Nguyen
Bao nhiêu con người, nhất là những người bệnh nặng, bị lừa uống thuốc giả khiến bệnh không khỏi còn nặng thêm, thậm chí mất cơ hội chữa bệnh.
Khâm Thiêm