Doanh nghiệp

Các "đại bàng" Mỹ vẫn chọn Việt Nam

Tóm tắt:
  • Nhiều tập đoàn Mỹ đầu tư vào Việt Nam, tin tưởng vào triển vọng dài hạn.
  • Quỹ đầu tư Warburg Pincus đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào nhiều dự án tại Việt Nam.
  • Dự án cao tốc Long Thành - Hồ Tràm có tổng đầu tư dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng.
  • Doanh nghiệp Mỹ vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và mong mở rộng hợp tác.
  • Việt Nam cần cải cách thể chế và thủ tục hành chính để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài.

"Đại bàng" Mỹ đẩy mạnh đầu tư

Cách đây 2 ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lần lượt có buổi tiếp ông Jeffrey Perlman, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus, đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC). Warburg Pincus là một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, quản lý hơn 83 tỉ USD. Tại VN, quỹ đầu tư này đã có mặt từ năm 2013 và đến nay ước tính đã rót hơn 2 tỉ USD vào nhiều dự án, cả trực tiếp lẫn gián tiếp như dự án Hồ Tràm tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khách sạn Metropole tại Hà Nội hay rót vốn vào các công ty hàng đầu trên thị trường như Vincom Retail, MoMo, Techcombank, BW Industrial...

Mới nhất, Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, một thành viên trong hệ sinh thái của Warburg Pincus, đã đề xuất đầu tư xây cao tốc nối từ sân bay Long Thành tới Hồ Tràm. Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trình Chính phủ dự án xây dựng tuyến cao tốc kết nối từ sân bay Long Thành đến Hồ Tràm, với tổng đầu tư dự kiến hơn 17.000 tỉ đồng.

Trao đổi với lãnh đạo Đảng và Chính phủ VN, ông Jeffrey Perlman khẳng định mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài, mang lại những thay đổi tốt đẹp ở VN. Ông cũng cho rằng thành công tại các dự án của quỹ ở VN, trong đó có Hồ Tràm tại Bà Rịa-Vũng Tàu và khách sạn Metropole tại Hà Nội, sẽ là những biểu tượng của thành công trong hợp tác giữa hai nước.

Ông khẳng định các doanh nghiệp (DN) Mỹ coi VN là đối tác rất tin cậy. VN đã rất tích cực cải cách, mang lại thành công cả trong ngắn hạn và dài hạn; các nhà đầu tư Mỹ tin vào tiềm năng, triển vọng lâu dài của VN. Cá nhân ông và lãnh đạo quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các bộ, ngành của VN về các giải pháp thuế quan mang lại lợi ích cho người dân và DN hai nước.

Các 'đại bàng' Mỹ vẫn chọn Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp ông Jeffrey David Perlman, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Warburg Pincus, đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC)

ẢNH: TTXVN

Không chỉ riêng Quỹ đầu tư Warburg Pincus muốn mở rộng hoạt động tại VN, trước đó vào trung tuần tháng 3, đoàn DN USABC cũng đến thăm và làm việc tại VN. Với khoảng 60 DN tham gia, đây là phái đoàn có quy mô lớn nhất từ trước đến nay sang VN trong khuôn khổ chương trình do USABC tổ chức, với các tập đoàn hàng đầu như Boeing, Apple, Intel, Coca-Cola, Nike, Amazon, Bell Textron, Excelerate Energy… Các công ty như Apple, Intel và Nike đã có hoạt động lớn tại VN, trong khi những tập đoàn như Boeing và Amazon có thể đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư.

Cũng trong giữa tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Charles James Boyd Bowman, Tổng giám đốc dự án của Tập đoàn Trump Organization tại VN. Đây là tập đoàn tư nhân đa ngành thuộc sở hữu của gia đình Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tập đoàn này đã đầu tư và sở hữu một loạt khách sạn, sân golf, bất động sản thương mại và nhà ở khắp nước Mỹ và ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện dự án đầu tiên của tập đoàn này ở VN là khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, thể thao và sân golf cao cấp tại tỉnh Hưng Yên, cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn cấp cao nhất của Tập đoàn Trump Organization, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,5 tỉ USD, được thực hiện bởi liên danh gồm Công ty CP Tập đoàn đầu tư và phát triển Hưng Yên (một thành viên của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc) và IDG Capital (đại diện Trump Organization).

Các 'đại bàng' Mỹ vẫn chọn Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với đoàn Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và khoảng 60 DN lớn thăm và làm việc tại VN vào giữa tháng 3.2025

ẢNH: NHẬT BẮC

Ông Charles James Boyd Bowman cho biết tập đoàn đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan với mong muốn đẩy nhanh dự án càng nhanh càng tốt và hy vọng dự án hoàn thành trong 2 năm tới (tháng 3.2027) để phục vụ dịp APEC 2027 (được tổ chức tại Phú Quốc). Đồng thời DN cũng đang tiến hành nghiên cứu đầu tư trong các dự án, lĩnh vực khác tại VN. Cuối tháng 3, Reuters dẫn lời người phát ngôn của Trump Organization cho biết tập đoàn cùng đối tác có kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào VN.

Ngoài dự án trị giá 1,5 tỉ USD đầu tiên tại Hưng Yên dự kiến được khởi công vào tháng 5, chỉ vài tháng sau khi thỏa thuận được ký kết. Người phát ngôn của Trump Organization cho biết dự án bao gồm ba sân golf 18 lỗ, khu phức hợp nhà ở là dự án lớn nhất ở Đông Á của tập đoàn. Hai sân golf đầu tiên dự kiến hoạt động giữa năm 2027… Ngoài ra, dự án thứ hai của Trump Organization có thể được công bố trong năm nay.

Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng

Việc ngày càng nhiều DN Mỹ đến VN đã cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng và tiềm năng hợp tác kinh tế song phương trong tương lai. Ông Kenneth Tse, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam, khẳng định dù gặp phải những khó khăn từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới, VN vẫn duy trì vai trò là một trung tâm sản xuất quan trọng của tập đoàn.

Để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế TP.HCM, đại diện Intel Việt Nam kiến nghị TP.HCM cần tận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội nhằm đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao - ngành có động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, một số DN khác cũng đề xuất ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ cao sản xuất trong nước hoặc ngay trong khu công nghệ cao để tạm thời giải quyết các thách thức ngắn hạn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là bài toán có thể được giải tại đàm phán thuế quan với Mỹ sắp tới. TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nhấn mạnh: VN cần đàm phán, tháo gỡ thuế quan thương mại với mức có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Đó sẽ là tiền đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới. Đặc biệt, cơ hội thu hút vốn FDI từ Mỹ phụ thuộc rất lớn vào các đàm phán thương mại về thuế quan sắp tới giữa Mỹ và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có VN.

Các 'đại bàng' Mỹ vẫn chọn Việt Nam - Ảnh 3.

Tập đoàn Intel là một trong những nhà đầu tư Mỹ đầu tiên xây dựng nhà máy tại VN

ẢNH: CTV

Theo vị chuyên gia này, VN có một số lợi thế để thực hiện đàm phán. Chẳng hạn, bước đầu có thể đàm phán về thuế quan đối với các mặt hàng dệt may, da giày, nông thủy sản. Đó là những mặt hàng có nhiều DN Mỹ đang sản xuất hay đặt hàng tại VN như Nike, trong khi người Mỹ không mạnh sản xuất mặt hàng này do không có lợi thế về chi phí nhân công. Áp thuế những mặt hàng xuất khẩu này cao thì chính các công ty của Mỹ tại VN bị ảnh hưởng. Song song đó, VN có thể tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản mà chúng ta cần và không sản xuất như nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đổi lại, VN xuất khẩu sang Mỹ hàng nông, thủy sản thuộc thế mạnh.

VN cũng đã bày tỏ kế hoạch gia tăng mua nhóm hàng năng lượng - gián tiếp tăng thu hút đầu tư FDI Mỹ ngành năng lượng như điện gió vào VN, nhập thêm khí hóa lỏng. Ngoài ra, công nghệ là lĩnh vực VN có thể có lợi thế hơn so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia do có nguồn nhân lực trẻ, có các kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên tốt hơn (dựa trên kết quả các kỳ thi PISA). Nhờ vậy, VN có thể thu hút vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ tốt hơn so với các nước khác trong khu vực.

Lợi thế nữa là định hướng của Chính phủ trong thu hút đầu tư công nghệ, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo… rất rõ ràng kèm với các chính sách ưu đãi đột phá. Đây là lợi thế để thu hút vốn FDI rất lớn, đặc biệt FDI từ Mỹ do xu hướng chuyển dịch đầu tư, xu hướng mở rộng chuỗi cung ứng sang ASEAN…

Cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Đánh giá về cơ hội thu hút vốn FDI từ Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, theo PGS-TS Nguyễn Quốc Việt, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội), trước hết vẫn khẳng định VN có vị trí địa chính trị rất tốt. VN không chỉ có 100 triệu dân mà xét chung trong cả ASEAN có hơn 600 triệu dân là một khu vực kinh tế mở, kết nối với nhau. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới lên cao, ASEAN càng nổi lên như một khu vực có thể thay thế, một thị trường tiêu thụ tốt cho bất kỳ chuỗi sản xuất nào. Dù Tổng thống Donald Trump khuyến khích kêu gọi DN Mỹ quay lại thị trường nội địa nhưng ở Mỹ thế mạnh vẫn là dịch vụ với giá trị gia tăng cao.

Trong khi đó, các tập đoàn, DN lớn của Mỹ vẫn phải gắn kết hoạt động sản xuất với các nước đang phát triển để cung cấp nguồn nhân lực và nguyên liệu đầu vào phù hợp, chi phí thấp. Đồng thời hoạt động sản xuất cũng phải đa dạng, trong đó VN cũng được xem là một khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Hơn nữa, thời gian qua VN được biết đến nhiều với sự ổn định về chính trị - xã hội, môi trường kinh doanh được cải thiện nhiều do các chính sách cải cách đã tạo ra thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước.

Các 'đại bàng' Mỹ vẫn chọn Việt Nam - Ảnh 4.

Khách sạn Metropole tại Hà Nội do Quỹ Warburg Pincus đầu tư được xem là biểu tượng của thành công trong hợp tác giữa hai nước

ẢNH: NGỌC THẮNG

"Đã có nhiều DN Mỹ đang đầu tư sản xuất hay hiện diện thương mại, đầu tư gián tiếp tại VN. Việc thu hút sự tham gia của các DN này càng nhiều càng tốt và đây cũng là một yếu tố hỗ trợ tốt cho quá trình đàm phán thương mại với Mỹ. Chúng ta có thể định hướng việc các tập đoàn Mỹ đầu tư vào VN để mở rộng việc tiêu thụ hàng hóa trong nước và cả thị trường ASEAN và đây là hướng đi có lợi ích lâu dài. Tôi kỳ vọng việc đàm phán giữa VN và Mỹ sẽ thành công khi chúng ta tạo được niềm tin rằng sẽ giải quyết được các yêu cầu của đối tác trên cơ sở có đi có lại, triển vọng lợi ích dài hạn song phương", PGS-TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.

Đồng tình, TS Phùng Đức Tùng cho rằng trong bối cảnh hiện tại, dòng vốn FDI từ Mỹ sẽ khó chọn Trung Quốc để đầu tư vào lúc này, mà sẽ chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực ASEAN và kể cả châu Á. VN cần chứng tỏ được vị thế của mình trong khu vực ASEAN, không chỉ là vấn đề kinh tế mà là chính trị ổn định, an ninh an toàn. Chúng ta phải cho các nhà đầu tư thấy rõ về tiến độ thực hiện cải cách đầu tư, môi trường hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh, có chính sách thuế ưu đãi tốt, hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư lớn. Thực tế cũng cho thấy Chính phủ đặc biệt chú trọng bằng việc triển khai loạt dự án đầu tư xây dựng lớn tầm quốc gia, các dự án sân bay, cảng biển, cao tốc… đã và đang xây dựng, khánh thành sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về logistics vốn từng là rào cản, quan ngại của nhà đầu tư.

Sẵn sàng mở rộng đầu tư

Tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong đợt đến VN giữa tháng 3, lãnh đạo đoàn Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và khoảng 60 DN Mỹ đánh giá cao những bước tiến của quan hệ VN - Mỹ cũng như những thành tựu và tiềm năng phát triển to lớn, môi trường đầu tư kinh doanh của VN. Các DN Mỹ đánh giá những cải cách gần đây của VN không chỉ thúc đẩy hoạt động cải cách kinh tế trong dài hạn mà còn giảm thiểu các rào cản đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, từ đó tăng cường củng cố vị thế của VN trong thương mại toàn cầu. Điều này cũng tạo ra môi trường hấp dẫn hơn để mở rộng đầu tư cũng như những hoạt động kinh doanh. Các DN Mỹ mong muốn và sẵn sàng đầu tư, mở rộng đầu tư tại VN trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn gồm các ngành năng lượng, công nghệ cao, bán dẫn, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu, hàng không, logistics, tài chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, du lịch, giáo dục, nông nghiệp…

Đẩy mạnh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh

Việc các nhà đầu tư Mỹ khẳng định vẫn coi VN là đối tác chiến lược quan trọng là thể hiện mong muốn thực sự của họ. Đổi lại, VN cần đẩy mạnh cải cách thể chế để nhà đầu tư nhìn thấy rõ hơn. Ai cũng nhìn thấy rõ lợi thế của chúng ta về dân số vàng, thị trường lao động giá rẻ, khát vọng đổi mới…, nhưng điều nhà đầu tư cần chúng ta thay đổi và những thay đổi này có thể "sờ" được. Đó là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Rồi kế hoạch cắt giảm chi phí phi chính thức cụ thể ở đâu? DN chỉ ra rồi, nhưng nhà quản lý ngành, địa phương có làm tới không. Bài toán đặt ra không quá khó, khó là người giải bài toán có chịu giải ngay không. Lúc này là cơ hội lớn để nhà quản lý, địa phương giải bài toán giảm chi phí, cải cách hành chính, trải thảm mời nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Lập hàng rào chặn thuốc giả

'Thuốc giả là vấn đề chúng tôi rất nghi ngại, do đó phải lập hàng rào pháp lý ngăn chặn', Phó giáo sư - tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.

Tiêm botox giảm mồ hôi tay

Y học chưa có cách điều trị dứt điểm chứng đổ mồ hôi lòng bàn tay, phương pháp tiêm botox giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra.