Bán ngay nếu không có nơi bảo quản
Luật hiện hành quy định khi đã hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng, tang vật, phương tiện vi phạm sẽ được xử lý theo 2 cách.

Phương tiện vi phạm được chất đống tại một bãi xe trên địa bàn TP.HCM
ẢNH: TRẦN DUY KHÁNH
Một là, nếu xác định được người vi phạm, người ra quyết định tạm giữ thông báo cho họ 2 lần; lần thứ nhất trong 3 ngày, lần thứ hai trong 7 ngày. Hết thời hạn 1 tháng sau đó, nếu người vi phạm vẫn không đến nhận thì trong 5 ngày tiếp theo, tang vật, phương tiện vi phạm sẽ bị tịch thu.
Hai là, nếu không xác định được người vi phạm, người ra quyết định tạm giữ thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng; lần thứ nhất trong 3 ngày, lần thứ hai trong 7 ngày. Hết thời hạn 1 năm sau đó, nếu người vi phạm vẫn không đến nhận thì trong 5 ngày tiếp theo, tang vật, phương tiện vi phạm sẽ bị tịch thu.
Tại dự thảo luật sửa đổi, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung cách xử lý thứ ba. Đó là trong thời gian xác định người vi phạm thuộc 2 trường hợp nêu trên, nếu có căn cứ cho rằng tang vật, phương tiện vi phạm không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản thì người có thẩm quyền tổ chức bán ngay theo giá thị trường.
Đồng thời, việc bán phải được lập thành biên bản. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại kho bạc nhà nước. Hết thời hạn theo quy định mà người vi phạm vẫn không đến nhận, tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Bộ Tư pháp cho hay đề xuất nêu trên nhằm "phù hợp với thực tiễn", góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm. Quy định mới sẽ khắc phục những bất cập kéo dài thời gian qua do tình trạng tồn đọng, quá tải trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc này còn giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để khơi thông nguồn lực cho công tác quản lý nhà nước.
Giải phóng bãi tạm giữ quá tải
Ủng hộ dự thảo, luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng LS Kết nối, Đoàn LS TP.Hà Nội, cho biết quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm đang được thiết kế theo hướng phù hợp với bộ luật Dân sự, nhằm đảm bảo tối đa quyền tài sản của người dân. Vì thế, việc tịch thu chỉ được áp dụng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ về số lần và thời hạn thông báo như đã nêu.
Nhưng thực tế cho thấy nhiều bãi tạm giữ phương tiện đang quá tải, do số người vi phạm không đến nhận tài sản ngày càng tăng. "Bản thân người vi phạm không thiết tha gì tài sản của mình, nhà nước thì vẫn phải duy trì nguồn lực để bảo quản, như vậy lãng phí cả về hao mòn tài sản, rồi chi phí vận hành…", ông Hùng phân tích.
Vị LS cho rằng đề xuất của Bộ Tư pháp là cần thiết, nhằm giải phóng lượng phương tiện vi phạm "đắp chiếu" nhiều năm nay - vốn là bài toán khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm lời giải. Song để chính sách phát huy hiệu quả, tránh tiêu cực, ông Hùng kiến nghị cần xây dựng quy trình xử lý chặt chẽ, minh bạch.
Trước tiên, việc định giá tài sản phải do một đơn vị độc lập thực hiện, đảm bảo sát với giá thị trường, tránh định giá quá thấp để "dìm giá" hoặc không phản ánh đúng giá trị của tài sản, nhất là tài sản có giá trị lớn. Tiếp đó, việc bán tài sản bắt buộc thông qua đấu giá công khai, có sự giám sát của bên thứ ba. Mục tiêu làm sao phải bán được tài sản với giá trị cao nhất, đảm bảo quyền lợi của người vi phạm hoặc chủ sở hữu tài sản một cách tốt nhất.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước nên nghiên cứu sửa đổi mẫu biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, trong đó quy định rõ nếu hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận thì tang vật, phương tiện vi phạm sẽ bị bán. Khi lập biên bản tạm giữ, cán bộ có thẩm quyền cũng cần thông báo bằng lời nói cho người vi phạm để họ biết. "Người vi phạm sau khi được thông báo phải có trách nhiệm với tài sản của mình. Không thể bỏ bẵng cả năm trời, đến lúc tài sản đã bán thì mới đến yêu cầu bảo đảm quyền lợi", LS Hùng nói.
Nên hạn chế tạm giữ thay vì cho bán?
Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) thì đề nghị cân nhắc đề xuất trên, vì lo ngại sẽ tác động đến quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức sở hữu tang vật, phương tiện vi phạm.
Theo VCCI, nếu tài sản bị bán nhanh chóng do thiếu điều kiện bảo quản, chủ sở hữu có thể không có đủ thời gian để khiếu nại hoặc yêu cầu hoàn trả, dẫn đến việc mất tài sản mà không có cơ hội giải quyết tranh chấp. Khi phương tiện bị tịch thu và bán đi, người vi phạm hoặc chủ sở hữu mất quyền sử dụng và sở hữu tài sản đó, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc của họ, đặc biệt nếu phương tiện đó là công cụ mưu sinh.
Chưa kể, giá bán của phương tiện có thể thấp hơn giá trị thực tế hoặc giá trị sử dụng của nó, dẫn đến thiệt hại tài chính cho người chủ sở hữu ban đầu. Điều này càng trở nên nghiêm trọng nếu phương tiện là tài sản có giá trị lớn.
VCCI cho rằng về nguyên tắc, nhà nước phải chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo quản các tang vật, phương tiện vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu các cơ sở không đáp ứng yêu cầu, cơ quan soạn thảo nên tiếp cận theo hướng hạn chế quy định biện pháp xử phạt bổ sung là tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thay vì cho phép bán ngay.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng nhận định điểm mấu chốt là phải hạn chế đến mức tối thiểu việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc tạm giữ chỉ nên áp dụng với trường hợp thật sự cần thiết, ví dụ người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện đó để thực hiện hành vi vi phạm nguy hiểm, có dấu hiệu hình sự; hoặc người vi phạm không có khả năng nộp phạt ngay…
Trường hợp người vi phạm muốn và có thể nộp tiền ngay, ông Tạo kiến nghị nghiên cứu giải pháp để tạo điều kiện cho họ. "Chỉ cần tiền nộp vào kho bạc, có xác nhận, thì cần gì phải giữ phương tiện nữa. Còn như hiện nay, dù có nộp tiền thì vẫn phải tạm giữ phương tiện 7 ngày, lúc giữ phải lập biên bản, khi trả cũng phải lập biên bản, rất tốn kém", ông Tạo nói, và kỳ vọng điều này sẽ góp phần giảm số lượng tang vật, phương tiện bị tạm giữ, từ đó giải quyết tận gốc rễ câu chuyện quá tải.