Xã hội

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho một số công chức lên 70

Tóm tắt:
  • Một số nước kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70-75 tuổi, đặc biệt dành cho lĩnh vực kỹ thuật cao và chuyên môn.
  • Việt Nam theo luật Lao động 2019, dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu từ 2021, đạt 62 nam và 60 nữ vào năm 2035.
  • Các chuyên gia chỉ nên đề xuất kéo dài tuổi hưu cho lĩnh vực có lực lượng có sức khỏe và trình độ cao.
  • Nhiều ý kiến phản đối nâng tuổi hưu đại trà, lo ảnh hưởng đến năng suất và trẻ hóa đội ngũ.
  • Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa phù hợp nâng tuổi nghỉ hưu, cần cân nhắc kỹ theo từng ngành nghề và tình hình nhân lực.

Một số nước kéo dài tuổi nghỉ hưu lên đến 70 - 75 tuổi

Theo dự thảo luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, có nhiều chính sách mới, trong đó đáng chú ý cơ quan soạn thảo đặt vấn đề VN nên tham khảo kinh nghiệm các quốc gia về nghỉ hưu trước tuổi và kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 với một số lĩnh vực.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho một số công chức lên 70 - Ảnh 1.

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho công chức ở một số lĩnh vực đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều

ẢNH: T.H

Dẫn chứng từ quốc tế, Bộ Nội vụ cho biết một số nước quy định nghỉ hưu ở tuổi 60 - 65, song có chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, muốn tập trung kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái. Ngược lại, họ kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 75 với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia.

Đơn cử, công chức ở Trung Quốc đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị mất hoàn toàn khả năng lao động thì nghỉ hưu. Quốc gia này cũng quy định những trường hợp công chức được nghỉ hưu trước tuổi khi tự nguyện xin nghỉ hưu và được cơ quan quản lý chấp thuận khi đã làm việc được 30 năm; cách tuổi nghỉ hưu do nhà nước quy định dưới 5 năm và đã làm việc đủ 20 năm.

Còn tại Mỹ, công chức nghỉ hưu đúng tuổi khi đủ 60 tuổi và có 30 năm làm việc hoặc đủ 62 tuổi và có 20 năm làm việc. Sau khi hoàn thành 25 năm phục vụ hoặc đủ 50 tuổi và hoàn thành 20 năm phục vụ, công chức cũng có thể được nghỉ hưu sớm.

Trong khi đó, công chức ở Pháp lại có độ tuổi nghỉ hưu là 67, có thể kéo dài đến 70 và 75 tuổi. Nếu gia đình có người khuyết tật hoặc có con hy sinh cho đất nước thì được giảm một năm với mỗi con. Công chức nghỉ hưu được nhận danh hiệu danh dự theo cấp bậc hoặc công việc của mình với điều kiện công tác ít nhất 20 năm.

Tại Nhật Bản, công chức hành chính nghỉ hưu từ 60 tuổi; đối với các vị trí công việc đặc thù, khó bổ sung nhân sự, độ tuổi nghỉ hưu hơn 60 tuổi nhưng không được quá 65 tuổi. Công chức tham gia bảo vệ tòa nhà Chính phủ và nhân viên kỹ thuật là 63 tuổi. Nhân viên y tế có tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi. Quy định này không áp dụng đối với công chức tạm thời, công chức được bổ nhiệm trong nhiệm kỳ và công chức làm việc bán thời gian. Bộ trưởng có quyền kéo dài thời gian công tác đối với công chức đã đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc thêm 1 năm và có thể gia hạn 1 lần sau khi thống nhất với Hội đồng Nhân sự quốc gia.

Trong khu vực Đông Nam Á, công chức Thái Lan nghỉ hưu nếu đủ 60 tuổi. Đối với những vị trí kỹ thuật hoặc các nhiệm vụ đòi hỏi kỹ năng cá nhân có thể tiếp tục phục vụ Chính phủ tới 70 tuổi.

Còn tại VN, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức thực hiện theo bộ luật Lao động 2019. Theo đó, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu tăng theo lộ trình mỗi năm 3 tháng với lao động nam, 4 tháng với lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường cho tới khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035. Lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, song không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Từ kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ cho rằng: "VN nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70".

Chỉ nên áp dụng cho chuyên môn, không nên giữ chức vụ lãnh đạo

Dưới góc độ chuyên gia về lao động, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH (nay là Bộ Nội vụ), đánh giá nếu xét về bảo hiểm xã hội (BHXH), việc nâng tuổi nghỉ hưu lên cao sẽ tăng thêm thời gian đóng và giảm thời gian hưởng lương hưu của người lao động, an toàn quỹ BHXH cũng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, chính sách cần phải nghiên cứu một cách tổng thể và kỹ lưỡng. Vấn đề quan trọng nhất khi xem xét, nghiên cứu nâng tuổi nghỉ hưu không phải là kinh nghiệm mà là sức khỏe của con người. "Một bác sĩ đến tuổi 70 có thể có nhiều kinh nghiệm, nhưng tay chân lúc đấy không thể vững vàng để mổ được. Tuổi càng cao thì thì sức khỏe càng giảm sút và năng suất lao động cũng giảm theo, nhất là với lao động nữ, nhiều người ngoài 60 có sức khỏe yếu", ông Huân nói.

Theo ông Huân, tại VN hiện nay, nhiều công chức, cán bộ sau khi nghỉ hưu có tài năng, có kiến thức vẫn được các doanh nghiệp, đơn vị thuê làm tiếp, nhưng thông thường họ chỉ ký hợp đồng năm một hoặc ký 3 năm chứ không ký dài. "Tốt nhất nên để thị trường điều chỉnh, ai làm tốt, ai còn khỏe, có năng lực, cơ quan sẽ ký hợp đồng làm tiếp", ông Huân bày tỏ.

Nêu thực tế ở VN, người lao động dù là lao động chân tay hay trí óc, khi đến độ tuổi 70 đa số điều kiện về sức khỏe, trí tuệ, khả năng nghiên cứu, vận hành cũng kém đi, bà Bùi Thị Thanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng: "Nếu đề nghị lên 70 tuổi mới nghỉ hưu đại trà là không nên, trừ trường hợp đặc biệt như người nghiên cứu khoa học hoặc dày dạn kinh nghiệm thì có thể sử dụng. Nhưng theo tôi không nên khuyến khích theo hướng nâng tuổi nghỉ hưu lên 70, mà nên giữ như hiện nay".

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu nếu có chỉ nên áp dụng cho chuyên môn, không nên giữ chức vụ lãnh đạo khi đã cao tuổi.

"Việc tiếp tục giữ các chức vụ lãnh đạo khi đã cao tuổi có thể ảnh hưởng đến quá trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hạn chế cơ hội phát triển cho lớp kế cận, thậm chí dẫn đến trì trệ trong đổi mới tổ chức. Xã hội rất cần sự cống hiến của người có trình độ, còn đủ sức khỏe, nhưng việc lựa chọn người ở lại cần có tiêu chí, phải chọn được những người khát khao cống hiến cho đất nước, muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước, dân tộc. Nếu chúng ta làm không có tiêu chí sẽ bị nhiều người lợi dụng để trục lợi lương", ông Lợi lưu ý.

Chưa nên đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu lúc này

GS-TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu ở một số lĩnh vực cần phải tính toán lại, bởi các nước thiếu nguồn nhân lực lao động nên mới phải kéo dài tuổi nghỉ hưu để tận dụng người cao tuổi vào làm các công việc. "Tại VN, trong điều kiện hiện nay, lực lượng sản xuất còn dồi dào, người trẻ còn nhiều thì theo tôi vẫn nên quy định tuổi nghỉ hưu theo luật, tức là nam nghỉ hưu ở tuổi 62 và nữ ở tuổi 60. Dù tuổi thọ của người dân đã được nâng lên, nhiều người 70 tuổi vẫn còn khỏe, song cũng có nhiều người ốm đau, bệnh tật. Đến khi nước ta già hóa dân số, nguồn lao động cạn kiệt thì nâng tuổi hưu lên 70", ông Đường nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo GS-TS Trần Ngọc Đường, tới đây, đối với một số ngành nghề có thể cân nhắc kéo dài như nghề y, nghề giáo, nhưng chỉ áp dụng với những người có kinh nghiệm, có trí tuệ và đặc biệt lưu ý phải có đủ sức khỏe.

GS-TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật, an toàn và vệ sinh lao động VN, nhìn nhận hiện VN đang trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, chưa nên đặt ra vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu lúc này. Ít nhất trong 3 năm tới, bộ máy mới có thể đi vào hoạt động ổn định. "Theo sự phát triển của xã hội, việc nâng tuổi nghỉ hưu nên tính đến ở tương lai, có thể sau năm 2035 khi VN trở thành nước có thu nhập trung bình cao. Với những chuyên gia, người làm nghiên cứu có thể ký tiếp hợp đồng làm công chức, viên chức nhưng nhất định không được giữ chức vụ quản lý", GS-TS Trình đề xuất.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN, nêu quan điểm sau sắp xếp, sáp nhập, khu vực nhà nước đang tồn một lượng lớn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

"Nếu chúng ta đặt vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu, thế hệ trẻ sẽ nản, không muốn phấn đấu, những người tài đang sắp kế cận cũng không muốn làm nữa. Không có lý do gì nâng tuổi nghỉ hưu lên 70 đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, có chăng chỉ trừ các trường hợp cá biệt, đặc biệt, đó là người thực sự tài năng thì Đảng và Nhà nước sẽ quyết định", ông Đệ thẳng thắn.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Quốc đảo Tuvalu vừa có máy rút tiền ATM

Ngày 15/4 vừa qua đánh dấu một cột mốc lịch sử đối với quốc đảo Tuvalu - một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới, khi nước này chính thức đưa vào vận hành những cây ATM đầu tiên. Sự kiện không chỉ mang ý nghĩa về công nghệ tài chính mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho hơn 11.000 người dân địa phương.

Bảo hiểm nhân thọ Sun Life bị xử phạt, lỗ triền miên

Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam bị phạt vì tài liệu minh họa bán hàng không rõ ràng, chính xác và không tuân thủ quy tắc điều khoản của sản phẩm bảo hiểm với mức xử phạt 130 triệu đồng. Tính đến 31/12/2024, lỗ luỹ kế của công ty này gần 6.365 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu là hơn 11.580 tỷ đồng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng muốn kiến tạo Cần Giờ thành “kỳ quan đô thị chưa từng có”

Phát biểu tại Lễ khởi công dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Vinhomes Green Paradise), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải đánh giá dự án đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là một công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai phát triển của thành phố.

Cho bán ngay tang vật nếu không có nơi bảo quản?

Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan soạn thảo đề xuất chính sách mới về quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm.

5 không khi uống bia

Bia có những tác dụng nhất định với sức khỏe nhưng uống khi đói, uống 4-5 cốc trong vòng 2 giờ… sẽ gây hại cho cơ thể.

Khởi động những công trình chở khát vọng vươn mình của dân tộc

"Đất nước trọn niềm vui" là cảm xúc chung của nhiều cấp lãnh đạo Trung ương, địa phương cùng người dân khi chứng kiến khoảnh khắc đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn trên cả nước vào sáng qua (19.4). Những công trình biểu tượng với số vốn khổng lồ không chỉ góp phần định vị hình ảnh VN mới trên trường quốc tế mà còn là đòn bẩy, điểm tựa phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.