Bất kỳ ai khi ốm đau cũng mong được điều trị đúng cách, gặp được thầy thuốc giỏi và sử dụng thuốc thật để nhanh chóng hồi phục. Thế nhưng, nếu không may dùng phải thuốc giả, người bệnh không chỉ mất tiền oan mà còn đối mặt với nguy cơ bệnh tình trở nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần bổ sung dinh dưỡng để phục hồi thể trạng và sữa là sản phẩm thay thế quan trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ em, phụ nữ mang thai hay người đang điều trị bệnh sử dụng phải sữa giả, thì ngoài việc tốn tiền, họ còn không đạt được hiệu quả dinh dưỡng cần thiết, thậm chí bệnh tình trở nặng.
Mặc dù cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân cách phân biệt thuốc giả, sữa giả, hàng giả, nhưng với thủ đoạn tinh vi như làm giả bao bì, nhãn mác gần giống hàng thật, thì người tiêu dùng vẫn rất dễ bị lừa.
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất. Nhiều người sẵn sàng bán nhà, bán đất để chữa bệnh, duy trì sự sống. Vậy mà vẫn có những kẻ bất chấp đạo đức, vì tiền mà coi thường tính mạng và sức khỏe của người khác. Do đó, điều cấp thiết lúc này là các cơ quan chức năng phải hành động quyết liệt để làm trong sạch thị trường. Khi mà tình trạng sản xuất, kinh doanh gian dối diễn ra ngày càng phổ biến, cần phải xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch, chặt chẽ, với chế tài đủ sức răn đe hành vi làm hàng giả, bán hàng giả vốn được nhiều người chỉ đích danh là "tội ác".
Bên cạnh đó, cần làm sạch môi trường quảng cáo. Xử phạt thật nghiêm những người tham gia quảng bá sản phẩm giả, đặc biệt là các cá nhân có sức ảnh hưởng trong xã hội. Nhiều người nổi tiếng chỉ bằng một dòng trạng thái trên mạng xã hội hay một câu nói quảng bá đã có thể nhận về hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, mức phạt hành chính vài chục triệu đồng hiện nay là quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Đối với người nổi tiếng vi phạm, cần xem xét cấm vĩnh viễn việc quảng cáo các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, thực phẩm.