Doanh nghiệp

CEO Lê Quốc Bình: Sắp tới, đầu tư vào dự án PPP phải theo nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu"

Sáng 21/5, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 lần hai.

Năm 2024, CII đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.194 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) kỳ vọng 430 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thực hiện năm trước.

Về định hướng kinh doanh, đối với lĩnh vực hạ tầng cầu đường, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình cho biết kế hoạch doanh thu từ thu phí cho năm 2024 dự kiến 2.441 tỷ đồng, tăng 45% so với 2023. Trong đó, doanh thu tăng chủ yếu do tăng giá vé thu phí của dự án mở rộng Quốc lộ 1 tỉnh Ninh Thuận và Cầu Cổ Chiên; hợp nhất doanh thu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận từ đầu năm.

Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông mới, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 98 được ban hành giúp tạo cơ chế đặc thù cho riêng các dự án PPP tại TP HCM.

Đối với mảng bất động sản, CII tiếp tục kinh doanh, cho thuê văn phòng và các diện tích thương mại; hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các dự án.

CII tập trung thanh toán các khoản vay đến hạn và trước hạn để tiết giảm chi phí lãi vay. Nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước, vì vậy dẫn đến việc công ty sẽ có thặng dư nguồn vốn lớn, là cơ sở để công ty có thể nhanh chóng hoàn trả toàn bộ các khoản nợ tài chính tại công ty mẹ.

Theo ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, việc gia tăng vốn chủ sở hữu và giảm nợ tài chính nói trên cũng là bước chuẩn bị năng lực tài chính cần thiết và quan trọng để CII có thể tham gia đầu tư vào các dự án mới quy mô lớn, từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, trong giai đoạn sau năm 2024, và là tiền đề quan trọng để công ty duy trì sự phát triển bền vững, lâu dài.

Tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2023 là 16% và cổ tức tiền mặt năm 2024 tiếp tục là 16%.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2023 của CII tổ chức lần hai ngày 21/5. (Ảnh: Xuân Nghĩa).

Phiên thảo luận

Việc đòn bẩy tài chính lớn, vay nợ trái phiếu cao có ảnh hưởng đến việc trả cổ tức tiền mặt lâu dài cho cổ đông?

Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình: Đối với các dự án PPP, theo quy định, dự án có 11% từ vốn chủ sở hữu, và 89% từ vốn vay. Như vậy, hệ số nợ phải lên đến 9 lần. Hiện hệ số nợ của CII chỉ 3 lần, được xem là thấp, an toàn trong đầu tư PPP. Nếu đầu tư lĩnh vực khác, hệ số này có thể xem là cao, nhưng PPP thì khác.

Đặc thù các dự án PPP, doanh thu luôn luôn có sự tăng trưởng, vì có sự tăng trưởng lưu lượng xe, đi cùng với tăng trưởng nền kinh tế. Thêm vào đó là tăng trưởng giá vé, theo cam kết của cơ quan quản lý nhà nước. Thứ ba là cam kết về lợi nhuận thu được từ nguồn vốn bỏ ra từ cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy, khoản đầu tư, khoản vay để đầu tư vào PPP được đánh giá là cực kỳ an toàn. Đó là trước đây.

Tuy nhiên, sắp tới, theo Luật PPP, Nhà nước không còn đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư nữa. Do đó, nhà đầu tư PPP phải theo nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”, phụ thuộc vào lưu lượng, giá cước thu phí. Các dự án trong tương lai không thể có tỷ lệ nợ 9:1 hay 8:1 được, mà tối đa là 1:1.

Khi đó, hệ số nợ của CII chỉ loanh quanh 1-2 lần, nếu vượt trên 2 lần có thể gặp rủi ro. Để đón trước sự thay đổi của luật đầu tư hình thức PPP, trong năm 2023, CII đã triển khai hai đợt tăng vốn chủ sở hữu và sắp tới sẽ tiếp tục triển khai (đã được ĐHĐCĐ thông qua).

CII bắt buộc phải tăng vốn để thực hiện các dự án PPP theo mô hình mới. Trong bối cảnh mới, hình thức mới, quy định mới, luật thay đổi... thì CII phải chuyển đổi cho phù hợp.

Yếu tố lợi nhuận để trả cổ tức, đối với các dự án PPP cũ, CII được cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo về lợi nhuận, nên công ty có dòng tiền thực hiện, là chắc chắn. Việc này chỉ có ngoài trừ một trường hợp doanh số thu phí không đủ để trả lãi vay và lợi nhuận vốn chủ. Trường hợp đó, có hạch toán nhưng tiền thu về không đủ trả lãi. Vì vậy, CII đã thành lập 20 năm nhưng rất chắt lọc trong lựa chọn dự án, không đầu tư tràn lan.

CII vẫn xác định duy trì trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 16%/năm bằng tiền mặt. Tuy nhiên, không công ty nào dám cam kết 100% luôn thực hiện đều đặn 16%/năm trong dài hạn. Đến hiện tại công ty đã thực hiện, nhưng không cam kết dài hạn được. Khi nào có thay đổi sẽ báo cáo cổ đông.

Kế hoạch doanh thu 2024 thấp một chút hơn so với 2023. Trong đó, doanh thu phí cầu đường dự kiến tăng cao trong 2024. Vậy loại doanh thu nào sẽ giảm mạnh?

Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình: Năm 2023 công ty có phần doanh thu từ bất động sản năm 2022 chuyển sang 2023. Năm 2023 và nhìn rộng ra 2025, doanh thu mảng này có thể gần như bằng 0. Tốc độ giải quyết pháp lý như hiện tại thì rất khó có doanh thu trong 2024-2025.

Tiến độ triển khai, dự phóng doanh thu/lợi nhuận của nhóm dự án tại Thủ Thiêm, dự án của Năm Bảy Bảy?

Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình: Đến hiện tại, CII cũng chưa nói được bất kỳ chuyện gì về tháo gỡ pháp lý  dự án tại Thủ Thiêm. CII đã nhận được một số tín hiệu, nhưng để đưa ra dự phóng kinh doanh vào lúc này là bất khả thi.

Đối với các dự án của Năm Bảy Bảy (Mã: NBB), CII vẫn đang tìm cách gỡ vướng thủ tục pháp lý. Cách đây mấy ngày, sau hơn 2,5 năm, CII mới lấy được một văn bản lẻ, nằm trong số 200 văn bản để được chấp thuận đầu tư. Qua đó có thể thấy vướng mắc pháp lý là rất khó khăn. Trong thời gian tới, kỳ vọng các luật và nghị định mới sẽ dần gỡ vướng cho chủ đầu tư, chứ hiện này gần như tắc hết.

Năm 2023, thậm chí qua 2024, doanh nghiệp trong lĩnh vực của CII tồn tại được, hoạt động được, trả cổ tức được là mừng rồi, chứ không nói mở rộng hoạt động đầu tư dự án mới, vì đơn giản là pháp lý chưa tháo gỡ. Đó là thực trạng mà thị trường đang đối mặt. CII cố gắng đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục, đảm bảo trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ trái phiếu. Hiện CII chỉ còn 1 trái phiếu phát hành, dự kiến đáo hạn vào tháng 9/2024. Công ty chưa bao giờ chậm trả nợ gốc và lãi trái phiếu.

Đến 2025 công ty đã bớt áp lực tài chính, khi nợ trái phiếu giảm, được điều chỉnh tăng giá phí, lưu lượng cũng tăng. Nhưng từ 2025, công ty sẽ tham gia vào lĩnh vực đầu tư mới. Dự kiến từ nửa cuối 2025, TP HCM sẽ mở đấu thầu dự án, CII đủ nguồn lực sẽ tham gia đấu thầu và sau đó sẽ sớm triển khai.

Hồi tháng 2, ban lãnh đạo công ty có nhắc đến một dự án BOT hạ tầng tiềm năng liên quan đến khu công nghiệp, kết nối đến cảng biển. Tiến độ của dự án này như thế nào?

Tổng Giám đốc Lê Quốc Bình: Dự án này đã thương thảo xong, dự kiến ký kết hợp đồng vào tháng 6-7 tới. Nguồn vốn đầu tư, dự án đã thu xếp xong 100% vốn đầu tư, bao gồm phần tham gia của CII và tài trợ của ngân hàng. Dự án đang xây dựng. Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào khai thác từ quý I/2025. Tổng mức đầu từ ước tính khoảng 1.650 tỷ đồng.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm