Tại phiên thảo luận "Ngành game Việt Nam đang ở đâu trong hành trình tỷ đô" trong Diễn đàn Game Việt Nam 2024, ông Thắng chia sẻ, thực tế hiện nay, có nhiều sản phẩm của các nhà phát hành Việt Nam đang nằm trong top 5 khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các sản phẩm game của Việt Nam lại có vòng đời tương đối ngắn và chất lượng chưa tiệm cận với các tiêu chuẩn của thế giới. Để hướng tới những mục tiêu lớn trong tương lai, ngành game Việt cần có thời gian và quá trình tích lũy.
"Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề sản phẩm "mì ăn liền" hay không. Điều quan trọng là định hướng của các nhà làm game. Tôi tin rằng, trong quá trình phát triển game, chúng ta sẽ tìm ra được đâu là định hướng đúng", ông Thắng phân tích.
Đánh giá về cơ hội của ngành game Việt khi tham gia vào chuỗi giá trị, xuất khẩu và cung ứng game toàn cầu, ông Thắng cho rằng, yếu tố quan trọng để phát triển ngành đến từ tầm nhìn của những người đứng đầu. Doanh thu không phải là tất cả.
"Trong dài hạn, giá trị thật sự của sản phẩm được tạo ra mới là điều quan trọng. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp game khác, luôn khát khao tìm kiếm các ý tưởng hay, các sản phẩm tốt để phục vụ người dùng. Mục tiêu ngắn hạn trước mắt là kiếm tiền nhưng khát vọng lớn hơn của chúng tôi chính là sự công nhận trên quy mô toàn cầu", ông Thắng cho biết.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH – Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngành game Việt dù có nhiều lợi thế nhưng cần xây dựng một nền tảng tốt để viết tiếp giấc mơ "tỷ đô" trong 5 năm tiếp theo.
Thứ nhất là vấn đề về đào tạo. Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai các chương trình xây dựng nguồn nhân lực cho ngành game. Đáng chú ý, Học viện Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam đang chuẩn bị triển khai chương trình bậc Đại học chuẩn chính quy lần đầu tiên dành riêng cho ngành game.
Thứ hai về chính sách thuế cho ngành game, khi trước đây ngành game còn gặp nhiều định kiến từ cộng đồng và xã hội. "Trong một năm qua, Bộ 4T và Liên minh game đã cùng phối hợp và thuyết phục được Chính Phủ coi ngành game là ngành bồi dưỡng, cần nhận được ưu đãi để phát triển đúng với kỳ vọng, tiềm lực của ngành. Hiện Chính phủ không những bỏ ngành game ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà còn giao Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra chiến lược phát triển ngành game để được hưởng các ưu đãi về thuế", ông Do chia sẻ.
Theo bà Emily, Giám đốc Kinh doanh Google Ads, Gaming và Apps tại Việt Nam, để xây dựng hệ sinh thái game thành công thì cần có nhiều yếu tố về Chính sách, thu hút vốn, nhân tài. Đại diện phía Google cũng đưa ra một số dẫn chứng cụ thể tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà phát triển game được giảm thuế, studio khởi nghiệp được miễn thuế đồng thời được Chính phủ quốc gia này hỗ trợ 60% các công cụ hỗ trợ và tiếp cận với các công nghệ kỹ thuật.
"Tại Việt Nam, ngành game hiện được quan tâm, hỗ trợ như không đánh thuế tiêu thụ nhưng cần nhiều sự hỗ trợ hơn. Việt Nam có nhiều nhân tài, nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, chính sách thu hút nhân tài quốc tế. Về gọi vốn, nếu có sản phẩm tốt thì mọi thứ sẽ đến", bà Emily nhận định.
Cuối cùng, nền tảng thứ ba để phát triển ngành game đó là kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua, các nhà làm chính sách đã thuyết phục các đối tác toàn cầu như Google, Meta, Roblox... đến các sự kiện như Vietnam GameVerse để thấy được tiềm năng và sự phát triển của thị trường Việt Nam.
"Mục tiêu của chúng tôi là thay đổi định kiến của xã hội về ngành Game, với những chiến dịch truyền thông để cho thấy game không phải là chỉ chơi game, nghiện game. Game là một ngành công nghiệp tạo ra những giá trị về về kinh tế, về cơ hội nghề nghiệp để tạo nên những startup, nhân lực cho ngành. Năm ngoái, chúng ta đã ước mơ ngành game Việt đạt tỷ USD. Năm nay, chúng ta cần cùng chung tay và đây là thời điểm tăng tốc để biến giấc mơ thành hiện thực", ông Do kết luận.