Báo cáo kết quả kinh doanh mới đây của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy, vàng 24K đạt doanh thu gần 6.805 tỷ đồng, tăng 80% so với 4 tháng đầu năm 2023. Nhờ sự sôi động của thị trường, trung bình mỗi ngày, công ty bán ra hơn 56 tỷ đồng kim loại quý.
Vàng 24K là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao nhất, trong khi trang sức bán lẻ và sỉ chỉ tăng lần lượt 12% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng của mảng này cũng vươn lên chiếm hơn 42% tổng doanh thu công ty, từ mức 31% của cùng kỳ.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, vàng miếng đã mang lại nguồn thu tương đương hai phần ba con số của cả năm 2023. Mức này cũng cao hơn doanh thu vàng 24K mỗi năm trong giai đoạn từ 2021 đổ về trước.
Từ cuối năm ngoái đến nay, kim loại quý này liên tục lập đỉnh mới về giá. Điều này kích thích người dân mua vàng nhiều hơn. Nhưng với PNJ chưa hẳn là yếu tố tích cực.
Tại đại hội cổ đông hồi tháng trước, Tổng giám đốc Lê Trí Thông nói đã có sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Hiện người dân chuộng mua vàng 24K với mục tiêu phòng thủ và đầu tư. Nhu cầu này cao hơn hẳn và khác những năm trước khi khách hàng tìm đến PNJ chủ yếu qua trang sức và chú trọng tính thời trang. Trong khi đó, biên lợi nhuận các sản phẩm vàng 24K rất thấp, không tới 1%. Do đó, công ty dự báo kịch bản doanh thu tăng nhưng tốc độ tích lũy lợi nhuận sẽ chậm hơn.
Hiện tượng này đã được phản ánh trong 4 tháng đầu năm. Doanh thu thuần PNJ tăng 33% lên gần 16.050 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 6,5% lên 915 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận gộp trung bình 4 tháng đạt 17%, giảm so với mức 19,1% của cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ, cơ cấu doanh thu, sự biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên lợi nhuận gộp tăng từ 52% lên mức 57% do sự thay đổi về hành vi mua sắm của khách hàng làm ảnh hưởng đến cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp.
Tuy vậy, PNJ vẫn hoàn thành khoảng 43% kế hoạch kinh doanh cả năm. Năm nay công ty này đặt mục tiêu doanh thu khoảng 37.148 tỷ và lợi nhuận sau thuế 2.089 tỷ đồng. Đây là những con số kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Từ năm ngoái, vàng miếng lần đầu chiếm gần một phần ba trong cơ cấu doanh thu công ty. Thời điểm đó, thị trường ghi nhận giá vàng tăng nhanh và biến động mạnh, riêng ba tháng cuối năm đã từng bước cán hai mốc kỷ lục 70 triệu và 80 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo PNJ nhiều lần khẳng định biên lợi nhuận của mảng này thấp, ảnh hưởng đến biên lãi gộp toàn công ty. Năm nay, doanh nghiệp này còn đối mặt khó khăn lớn về nguồn nguyên liệu chính ngạch. Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Thị Ngọc Dung nói có nhiều lúc công ty không có vàng để bán.
Theo dự báo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), doanh thu vàng miếng của PNJ có thể tăng 20% và đạt khoảng 13.576 tỷ đồng trong năm nay do kỳ vọng giá vàng vẫn neo ở mức cao. Báo cáo gần đây của SSI Research cho rằng Chính phủ đặt ra các biện pháp thực thi nghiêm ngặt hơn đối với các hoạt động kinh doanh vàng bất hợp pháp. Theo đó, một số cửa hàng bán lẻ vàng nhỏ đã đóng cửa, giúp PNJ giành thêm thị phần.
Tuy nhiên, nhóm phân tích của Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng giá vàng tăng mang đến tác động nhiều mặt. Diễn biến trên có thể thu hút đầu cơ tích trữ, hỗ trợ dòng tiền của PNJ. Mặt khác, do kênh bán lẻ trang sức mới là trụ cột lợi nhuận của công ty, MASVN cho rằng giá vàng tăng sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận gộp bán lẻ vì công ty không phải lúc nào cũng có thể đẩy chi phí cho khách hàng. Ngoài ra, giá trang sức cao hơn có thể cản trở nhu cầu và dẫn đến khối lượng bán hàng thấp hơn.