Cuối tuần qua, khoảng 1.000 người rồng rắn xếp hàng ở một trung tâm thương mại tại quận 7 (TP HCM) để chờ săn các phiên bản giới hạn của thương hiệu đồ chơi nghệ thuật Pop Mart, nhân dịp mở cửa hàng chính hãng đầu tiên tại Việt Nam.
Mỗi người chỉ có 15 phút vào mua các bộ sản phẩm giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Kết quả, cửa hàng tiêu thụ được 4.000 sản phẩm chỉ trong ngày đầu. Ông Jeremy Lee, Giám đốc phát triển thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương mô tả Việt Nam là nơi "đầy sức sống" và "tiềm năng".
Không chỉ có thương hiệu đồ chơi nghệ thuật này, một loạt các nhà bán lẻ trung - cao cấp nước ngoài tấp nập đến Việt Nam từ đầu năm đến nay. Cuối tháng trước, Motherswork (Singapore) chuyên về các sản phẩm cao cấp dành cho mẹ, bé và trẻ em, bắt đầu thâm nhập với cửa hàng đầu tiên ở một trung tâm thương mại thuộc phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, TP HCM.
Bà Sharon Wong, Nhà sáng lập kiêm CEO Motherswork cho biết đây là thị trường thứ 3 sau quê nhà (2 cửa hàng) và Trung Quốc (8 cửa hàng). Họ phân phối độc quyền cho 20 thương hiệu, từ đồ dùng, máy làm thức ăn, máy tiệt trùng, thiết bị giám sát trẻ em đến chăn ga gối đệm và nội thất.
Ở phân khúc xa xỉ, Cartier, Rene Caovilla và The Hour Glass Opera là 3 cái tên cùng đồng loạt mở rộng đầu năm nay. Trong đó, vào trung tuần tháng 3, Cartier mở cửa hàng mới tại một trung tâm thương mại cao cấp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1. Thương hiệu Pháp này hiện diện ở Việt Nam nhiều năm nhưng cửa hàng mới đánh dấu cột mốc mới, thể hiện sự quan tâm đáng kể hơn.
Theo đó, thay vì bán hàng qua nhà phân phối như trước, cửa hàng này trực tiếp vận hành bởi Cartier Việt Nam, công ty con Cartier mới được đăng ký thành lập cuối 2023, theo dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hãng dịch vụ bất động sản Savills cũng chỉ ra rằng một số thương hiệu nhỏ đóng cửa nhưng gần đây các thương hiệu quốc tế mới từ tầm trung đến cao cấp lại đang tiến vào như Fendi, Cartier, Loewe.
Đồng thời, nhiều nhà bán lẻ ngoại thuộc phân khúc phổ thông cũng có kế hoạch mở rộng như Muji, H&M, Uniqlo, Poseidon. Trong đó, cuối tháng trước, Uniqlo công bố mở thêm 3 cửa hàng tại Thành phố Thủ Đức. Một trong số đó đã đón khách và 2 chi nhánh còn lại sẽ sớm hoạt động trong mùa xuân - hè này.
"Mặc dù kinh tế biến động trong hai năm trở lại đây, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước vẫn tiếp tục mở rộng tại Việt Nam", bà Đỗ Thị Xuân Trang, Trưởng phòng, Dịch vụ Bán lẻ tại Avison Young Việt Nam đánh giá.
Có một số lý do khiến các thương hiệu bán lẻ ngoại trung - cao cấp tấp nập đến Việt Nam năm nay. Đầu tiên, dù tăng trưởng của bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có chậm lại - 4 tháng đầu tăng 8,5% so với 13,3% cùng kỳ 2023 - tốc độ này vẫn đủ hấp dẫn với các nhà bán lẻ ngoại.
Theo đó, CBRE xác nhận thị trường bán lẻ quý I tiếp tục khả quan với giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tiếp tục đà tăng. Hầu hết giao dịch thuê đều từ các thương hiệu nước ngoài mở rộng tại Hà Nội và TP HCM, thuộc đa dạng các ngành hàng từ thời trang, ăn uống đến siêu thị.
Thứ hai, trong khi một bộ phận người tiêu dùng dè sẻn vì áp lực kinh tế, nhu cầu nhóm khách thu nhập tốt cũng đồng thời tăng. Giai đoạn 2018-2022, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm về nhập khẩu đồ trang sức là 8%, xe hơi là 26%, rượu vang 6% và đồng hồ 8%, theo Chỉ số Đầu tư Xa xỉ của Knight Frank (Knight Frank Luxury Investment Index – KFLII).
Nhờ những người trẻ thu nhập tốt và chịu chi, Pop Mart đã xây dựng được cộng đồng người sưu tập "háo hức chờ đợi sự ra mắt của từng thiết kế mới". "Tầng lớp trung lưu đang phát triển, thu nhập khả dụng tăng cao, cùng với sự quan tâm ngày càng lớn đối với văn hóa pop mở ra một tương lai hứa hẹn", ông Jeremy Lee nói.
Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth cho biết Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 người có từ 100 triệu USD trở lên, sau khi trừ các khoản nợ. "Người Việt Nam được dự báo giàu lên nhanh nhất thế giới với mức tăng tài sản lên đến 125% trong 10 năm tới", theo New World Wealth.
Bà Sharon Wong, Nhà sáng lập kiêm CEO Motherswork nhìn thấy những khách hàng chịu chi này. "Ở Singapore, tôi thường xuyên bắt gặp các khách hàng bay từ Việt Nam với nhu cầu lựa chọn các sản phẩm tốt nhất cho con", bà Wong nói.
Ngoài ra, du lịch đang trên đà phục hồi cũng là một yếu tố khiến các thương hiệu ngoại cân nhắc mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Bốn tháng qua, cả nước đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 68,3% so với cùng kỳ, theo Tổng cục Du lịch.
Theo nền tảng du lịch trực tuyến Klook, tổng nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý I tăng gần gấp đôi so với quý IV/2023, và tăng 1,9 lần so với cùng kỳ 2023. Chi tiêu trung bình cũng tăng 13%, cho thấy họ sẵn sàng mở hầu bao nhiều hơn cho các trải nghiệm và hoạt động tại điểm đến.