Doanh nghiệp

Đạm Cà Mau thâu tóm công ty phân bón có nhà máy NPK tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD

DCM:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Mới đây, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty Phân bón Hàn - Việt (KVF). Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho công ty TNHH một thành viên Phân bón Hàn Việt.

KVF hiện có vốn điều lệ gần 2.054 tỷ đồng do Đạm Cà Mau sở hữu 100% vốn. Địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Người đại diện theo pháp luật là Giám đốc Lê Văn Nguyễn.

Thực tế, vào đầu tháng 4, Đạm Cà Mau và Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận bàn giao công ty Phân bón Hàn Việt. Đây là một trong các bước tiến để công ty này hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng.

Phân bón Hàn Việt khởi công nhà máy sản xuất phân NPK từ tháng 7/2016 tại TP HCM và đến tháng 12/2017 đưa vào vận hành với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư hơn 60 triệu USD.

Còn theo thông tin từ Chứng khoán Vietcap, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 11/2023 của Đạm Cà Mau, về việc mua lại 100% cổ phần của Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt (KVF), lãnh đạo công ty này đặt mục tiêu hoàn tất thương vụ mua lại này vào cuối năm 2023 để tăng gấp đôi công suất mảng NPK. Công ty ước tính giá mua lại là 25 triệu USD so với vốn đầu tư là 60 triệu USD.

Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho rằng đây là mức giá tốt do thương vụ này bao gồm quỹ đất với diện tích 8,7 ha. Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng bán hàng của KVF lên 150.000 tấn và giúp công ty có lãi vào cuối năm 2024.

Việc mua lại này chủ yếu nhằm thâm nhập thị trường NPK ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung, trong khi nhà máy NPK hiện tại của Đạm Cà Mau nhằm phục vụ nhu cầu tại khu vực Tây Nam Bộ và Campuchia.

Ngoài ra, khu vực nhà máy NPK của KVF được sử dụng làm kho chứa nguyên vật liệu. Vietcap kỳ vọng lợi nhuận cao hơn từ mảng NPK truyền thống (có tiềm năng tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2024) sẽ bù đắp khoản lỗ của công ty con NPK mới mua lại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm