Cùng với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam hăm hở bước vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Các nhà đầu tư mạo hiểm trong nước đang tích cực tìm kiếm cơ hội ở những công ty đã áp dụng công nghệ AI để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Nhiều chuyên gia tin rằng Việt Nam đang đi đầu trong lĩnh vực phát triển AI ở khu vực Đông Nam Á. Mặc dù Singapore đi trước một bước do hệ sinh thái công nghệ phát triển mạnh, nhưng Việt Nam cũng có tiềm năng xây dựng một hệ sinh thái thú vị nhờ sự hiện diện của các công ty công nghệ lớn và những khoản đầu tư tầm cỡ từ Chính phủ.
Ông Justin Nguyen, đối tác tại quỹ Monk's Hill Ventures, nói: “Mặt khác, GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hoá - pv) nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã vượt qua Singapore và nó có thể chỉ đứng sau Indonesia vào năm 2030. Việc sử dụng AI như thế nào sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam”.
Tiềm năng của AI trong nền kinh tế Việt Nam
Mặc dù quy mô nền kinh tế nhỏ hơn Indonesia, nhưng Việt Nam nhanh chóng tiến lên trong chuỗi giá trị, chủ yếu nhờ những khoản đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, đặc biệt là các môn STEM (Science, Technology, Engineering, Math).
Trên thực tế, VinAI thuộc Vingroup được công nhận là một trong 20 công ty hàng đầu toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu AI vào năm 2022.
Tất cả những yếu tố này dự kiến sẽ tác động tích cực đến việc hình thành một hệ sinh thái AI mạnh mẽ ở Việt Nam. Các quỹ đầu tư mạo hiểm như Monk's Hill Ventures đang tích cực tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực này.
Theo ông Justin Nguyên: “Tại Monk's Hill Ventures, chúng tôi có một cái nhìn khác về AI. Chúng tôi không chỉ nghĩ rằng AI có thể thúc đẩy một số loại hình kinh doanh nhất định, mà chúng tôi tin rằng AI có thể biến đổi mọi hình thức kinh doanh”.
Bên cạnh việc phát triển các mô hình nền tảng như Google và OpenAI, các startup ở Đông Nam Á vẫn có nhiều cơ hội lớn để mang lại giá trị mới, ý nghĩa cho người tiêu dùng bằng cách tích hợp AI vào các sản phẩm và dịch vụ hiện có.
Ông Nguyên cho biết, AI đang thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách cho phép chúng ta tương tác theo cách cá nhân hóa và tùy chỉnh.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp ngoài việc đơn thuần tạo ra giá trị tại điểm giao dịch, thì có thể mở rộng vòng đời giá trị với khách hàng bằng cách phát triển các mối quan hệ ý nghĩa trong suốt hành trình.
Ông Binh Tran, đối tác tại Ascend Vietnam Ventures (AVV), cho rằng các startup Việt Nam có thể tập trung phát triển các giải pháp AI phù hợp với nhu cầu địa phương và khu vực, tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về công nghệ này trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, fintech, chăm sóc sức khỏe và giải pháp thành phố thông minh.
Ông cũng nói thêm rằng các startup Việt Nam có thể khám phá các ứng dụng AI trong các ngành truyền thống như nông nghiệp, sản xuất và giáo dục, góp phần cải cách và hiện đại hóa các lĩnh vực này.
"Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực mà châu Á có lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như sản xuất, công nghiệp và robot. Tại AVV, chúng tôi tìm kiếm các startup không chỉ sử dụng AI mà còn hình dung cách ứng dụng nó theo những hướng mới lạ.
Chúng tôi tin tưởng vào việc hỗ trợ các giải pháp 'AI-first' có thể giải quyết các vấn đề một cách độc đáo và tạo ra giá trị khác biệt, đáng kể, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam hoặc Đông Nam Á có lợi thế”, ông Binh Tran chia sẻ.
Quỹ này cho biết gần 30% số tiền đầu tư của họ dành cho các công ty AI. Các công ty có danh mục đầu tư của AVV trong lĩnh vực AI, bao gồm ELSA, Trusting Social, Superfine, Bootloader và Cerebry.
Một quỹ đầu tư hàng đầu, đã thực hiện một số thương vụ AI ở Đông Nam Á, cũng đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam. Một giám đốc điều hành của quỹ này tiết lộ rằng họ đang xem xét một số startup hoạt động trong lĩnh vực Internet dành cho người tiêu dùng và giải pháp doanh nghiệp B2B.
"Tôi thấy có rất nhiều cơ hội trong việc cung cấp dịch vụ và giải pháp tổng thể, thay vì chỉ đơn thuần bán AI như một công cụ duy nhất, và tôi thấy rằng hệ sinh thái startup AI sẽ phát triển mạnh mẽ trong 5 năm tới," ông nói.
"Việt Nam thật tuyệt vời, vì có rất nhiều người tài năng. Vì vậy, chỉ là vấn đề thời gian khi chúng ta thấy một công ty tầm cỡ quốc tế xuất hiện”, người này tin tưởng.
Theo Statista.com, vào năm 2022, chỉ có hai khoản đầu tư vốn vào AI tại Việt Nam, với giá trị đạt 4,5 triệu USD. Giá trị đầu tư đạt đỉnh vào năm 2021, đạt 23 triệu USD.
Trí tuệ nhân tạo đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu. Trong năm 2022, theo số liệu của GlobalData, đã có 3.198 startup AI nhận được tổng cộng 52,1 tỷ USD tiền đầu tư thông qua 3.396 giao dịch.
Sự nhập cuộc của các công ty trong nước
Cuộc đua AI càng trở nên gay cấn hơn với sự xuất hiện của ChatGPT và gần đây nhất là Gemini của Google.
Một khảo sát của Bain & Company trên 570 giám đốc điều hành cho thấy 75% trong số họ đánh giá AI đã đạt hoặc vượt quá kỳ vọng.
Theo báo cáo Công nghệ Toàn cầu 2022 của Bain, thế hệ công cụ và mô hình AI hiện nay có thể giúp các doanh nghiệp tăng tốc 20% khối lượng công việc của nhân viên mà không ảnh hưởng đến chất lượng.
Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Nhiều ông lớn công nghệ trong nước đang ồ ạt đổ xô vào lĩnh vực AI.
VNG, "kỳ lân" công nghệ được hậu thuẫn bởi Tencent và Ant Group của Alibaba, đang hướng tới ra mắt một dịch vụ AI tương tự ChatGPT dành cho người dùng Việt Nam. Dịch vụ này sẽ sử dụng công nghệ AI generative (AI tạo sinh - pv), cho phép người dùng thực hiện nhiều tác vụ như viết thư, tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi,…
Trong khi đó, VinAI, với nguồn vốn chiến lược từ tập đoàn Vingroup, đã phát triển phiên bản AI riêng của họ mang tên PhoGPT, lấy cảm hứng từ món ăn Phở nổi tiếng. Đây là một trong số những công ty Việt Nam đang phát triển mô hình ngôn ngữ lớn cho thị trường trong nước.
Ngoài ra, VinAI còn nghiên cứu ứng dụng AI cho xe điện VinFast và các công ty con khác, đồng thời rót vốn cho startup công nghệ y tế VinBrain.
“Phong trào AI của Việt Nam đang ở giai đoạn đầy hứa hẹn. Thị trường sở hữu những yếu tố cần thiết để thành công - bối cảnh công nghệ phát triển, sự hỗ trợ pháp lý của Chính phủ và những tài năng mới nổi.
Tuy nhiên, việc giải quyết các thách thức về dữ liệu, xây dựng niềm tin, tài trợ cho việc áp dụng AI, cơ sở hạ tầng đồng bộ,… sẽ rất quan trọng để Việt Nam bắt kịp các quốc gia đã áp dụng AI sớm khác trong khu vực”, ông Trương Quốc Hùng, Giám đốc điều hành VinBrain, nói.
Một "ông lớn" khác trong ngành công nghệ là FPT đã đặt hàng gần 70 triệu chip cho đến năm 2025 và đang mở rộng lĩnh vực AI cùng đào tạo kỹ thuật.
Công ty thành viên FPT Software hợp tác với nền tảng thị giác máy tính Landing AI của Mỹ từ năm 2022 để tạo ra mô hình có thể triển khai các giải pháp dành riêng cho ngành sản xuất và ô tô.
Tháng 10/2023, FPT và Landing AI đã công bố mối quan hệ chiến lược mới nhằm thúc đẩy ứng dụng AI.
Những thách thức
Năm 2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 nhằm từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới và AI của ASEAN nói riêng cũng như thế giới nói chung.
Trong khi một số chuyên gia tin rằng Việt Nam đang đi đầu trong phát triển AI ở khu vực, những người khác lại chỉ ra những thách thức có thể ngăn cản Việt Nam trở thành một trung tâm AI.
“Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong việc trở thành trung tâm AI. Mặc dù chúng ta vẫn tự hào có lực lượng lao động công nghệ hùng hậu nhưng số lượng nhân tài hàng đầu cần thiết để thực hiện nghiên cứu đột phá vẫn còn hạn chế.
Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore hay Nhật Bản trong việc thu hút những bộ óc hàng đầu về phát triển AI”, ông Nguyên tại Monk's Hill Ventures cho biết.
Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Singapore hay Nhật Bản trong việc thu hút những bộ óc hàng đầu về phát triển AI
Người đứng đầu Monk's Hill Ventures
Ông Hùng tại VinBrain nói: “Thiếu chuyên gia AI cao cấp, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển khung công nghệ từ đầu”.
Theo Tổng giám đốc Glints Việt Nam Jessica Le, mặc dù có nguồn nhân tài kỹ thuật dồi dào nhưng giáo dục AI là một lĩnh vực tương đối mới ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia công nghệ vẫn tập trung vào gia công phần mềm và nguồn nhân sự thiên về những người trẻ tuổi và có chuyên môn.
Toàn Nguyễn, Founder kiêm CEO Recruitery - công ty khởi nghiệp công nghệ nhân sự có trụ sở tại Việt Nam được hỗ trợ bởi CyberAgent Capital, nói với DealStreetAsia rằng số công ty tìm kiếm nhân tài AI đã tăng 10%.
“Tuy nhiên, các công ty tại Việt Nam tìm kiếm chủ yếu nhân sự AI cơ bản. Trong khi để tìm kiếm chuyên gia AI, họ sẽ thường hướng tới khu vực châu Âu”, ông nói thêm.
Recruitery cũng hợp tác với tập đoàn CMC trong nước để áp dụng AI vào quy trình lọc hồ sơ của mình. Ông Toàn cho biết, việc ứng dụng AI đã cho kết quả nhanh chóng và chính xác, thay thế đội ngũ nhân sự trước đây lên tới hơn 10 người.
Theo báo cáo của Chỉ số sẵn sàng AI của Cisco, chỉ có 27% tổ chức ở Việt Nam chuẩn bị đầy đủ để triển khai và tận dụng các công nghệ hỗ trợ AI. Khi được yêu cầu nêu ra những kỹ năng cụ thể mà nhân viên trong tổ chức của họ đang thiếu, 17% số người được hỏi xếp mức độ hiểu biết và thành thạo các công cụ và công nghệ AI là khoảng cách kỹ năng chính.
“Để trở thành một trung tâm AI, Việt Nam cần các tổ chức tiếp nhận nguồn nhân sự với nhiều người theo học các ngành STEM và đào tạo họ thành các chuyên gia AI. Ngoài ra, điều quan trọng là phải ưu tiên tính toàn diện kỹ thuật số, từ đó cho phép một bộ phận người dân rộng hơn khai thác tiềm năng biến đổi của công nghệ kỹ thuật số, từ đó tạo ra động lực cho sự đổi mới.
Nó cũng sẽ giúp các tài năng AI quốc tế làm việc tại Việt Nam dễ dàng tương tác hơn với nguồn nhân tài đang ngày càng tăng trong nước,” ông Nguyên tại Monk's Hill Ventures nói.