Hai kịch bản VN-Index năm 2024
Trong Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết với kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2024, đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp một cách ổn định, thanh khoản trung bình mỗi phiên giao động trong khoảng 12.000 – 25.000 tỷ đồng/phiên và phần lớn trong khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng.
Dự báo về điểm số, với giả định về vùng tăng trưởng EPS với vùng có độ tin cậy cao là từ 10 - 15% (GDP dự báo tăng hơn 6%), VDSC kỳ vọng vùng giao động hợp lý của P/E nằm trong khoảng 12 – 15 lần, tương ứng với mức điểm của VN-Index là từ 1.080 – 1.380 điểm cho kịch bản cơ sở. Với kịch bản tiêu cực, VN-Index đạt 950 - 1.250 điểm.
Trong năm 2024, thị trường giao dịch trong trạng thái sideway (đi ngang) với biên độ hẹp cho tới cuộc họp có quyết định hạ lãi suất đầu tiên của Fed (dự kiến tháng 3). Sau đó, thông tin tiến độ KRX nên được theo dõi sát sao vì thời điểm vận hành hệ thống nhiều khả năng mang lại một đợt tăng điểm tốt. Nếu khả quan, một tín hiệu về khả năng nâng hạng từ các kết quả đánh giá thị trường của MSCI và FTSE (tháng 6, 9 và 11) sẽ giúp tiếp nối đà tăng điểm.
Ngược lại, thị trường có thể điều chỉnh trở lại trạng thái sideway. Trong cả hai kịch bản, Chúng khoán Rồng Việt tin vào xu thế tăng của thị trường năm sau.
Chiến thuật tối ưu các cơ hội xuất hiện trong năm
Trong báo cáo, VDSC cho biết thiếu câu chuyện thu hút nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, dòng tiền NĐT cá nhân sẽ là động lực dẫn dắt chính của thị trường. Quan sát trong quá khứ, Việt Nam sẽ thu hút dòng tiền từ NĐT nước ngoài tích cực khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao và định giá thị trường hấp dẫn, vào những giai đoạn nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến lớn trong thương mại hay chuyển hóa (như WTO, câu chuyện thoái vốn nhà nước, nâng hạng); hoặc các thị trường phát triển hơn có chính sách kích thích đầu tư ra nước ngoài.
Trong ngắn hạn, VDSC chưa thấy có nhiều chuyển biến tích cực ở các điều kiện trên. Dù vậy, kỳ vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ đảo chiều sang nới lỏng trong nửa cuối năm 2024 và định giá thị trường cổ phiếu ở thị trường phát triển không còn hấp dẫn sẽ thúc đẩy sự phân bổ lại dòng tiền, một phần sang các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam.
Trong phần lớn thời gian của năm, dòng tiền từ NĐT cá nhân trong nước sẽ là người tham gia chính của thị trường. Điều này có thể khiến thị trường biến động nhanh và mạnh, theo cả chiều tăng và chiều giảm. Trong khi nền tảng vĩ mô vẫn còn bấp bênh và thiếu sự dẫn dắt của dòng tiền tổ chức chuyên nghiệp, thị trường có thể sẽ hình thành nhiều con sóng ngắn, mà những nhịp điều chỉnh mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.
Trên cơ sở này, VDSC cho rằng NĐT sẽ có thể tối ưu tốt hơn các cơ hội xuất hiện trong năm khi giao dịch thận trọng, chỉ giải ngân khi cổ phiếu ưa thích giảm về vùng mua phù hợp khẩu vị; và duy trì tỷ lệ hợp lý giữa cổ phiếu và tiền mặt, tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức.
VDSC kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về doanh thu cũng như sự nhích dần lên về biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó, ngoài nền tảng về vĩ mô, thị trường chứng khoán nhìn chung đang thiếu câu chuyện hấp dẫn để thu hút dòng tiền chuyên nghiệp từ các NĐT nước ngoài.