Y Pốt Niê là người dân tộc Ê-đê thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Anh cho biết bản thân đã được sống cùng nghề rang xay thủ công của cha mẹ từ ngày còn bé, dù từng học ngành Y và đi làm ở bệnh viện nhưng Y Pốt Niê đã quyết định nghỉ việc để phát triển hạt cà phê của gia đình.
Anh chàng này bắt tay vào việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững, cách sản xuất, vận hành. Anh cho biết mình đang sở hữu vùng nguyên liệu dồi dào với 10 hecta cà phê của gia đình và 50 ha liên kết với các chị em trong buôn làng.
Đến năm 2022, thương hiệu Ê Đê Café của anh chính thức thương mại hóa trở lại, phân phối qua các quán cà phê, các đại lý và các kênh online, đạt được 7,5 tỷ doanh thu với lợi nhuận là 1,2 tỷ. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Ê Đê Café đạt được doanh thu 10 tỷ, lợi nhuận 1,6 tỷ.
Thương hiệu này cũng đã có các đơn hàng tại nước ngoài như Đức, Canada.
Theo chia sẻ, cà phê của công ty được rang thủ công bằng tay theo công thức riêng, bên cạnh việc sử dụng máy móc. Trước lo ngại của Shark về việc người khác có thể bắt chước công thức của anh, Y Pốt Niê tự tin với công thức riêng của mình.
Đồng tình với lập luận của Y Pốt Niê, Shark Hưng chia sẻ, cà phê cũng giống với trà, vẫn là nguyên liệu đó nhưng mỗi người làm ra sẽ khác nhau. Ông chỉ ra những sự thú vị trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp này như nhà sáng lập là người Ê-đê, cà phê rang thủ công theo công thức riêng, có mùi khói đặc biệt…
Trong khi đó, Shark Minh Beta nhận định cái mà Y Pốt Niê đang bán không chỉ hoàn toàn là những hạt cà phê mà còn “bán” cả câu chuyện và những giá trị tinh túy về văn hóa của người Ê-đê.
Shark Tuệ Lâm đánh giá sự đặc biệt của Ê Đê Café là nhà sáng lập đã “thổi” được tính địa phương vào sản phẩm. Tuy nhiên cà phê lại không thuộc phạm vi đầu tư của cô nên nữ “Cá mập” đã từ chối thương vụ.
Shark Hưng là cổ đông của một công ty cà phê nên để tránh xung đột lợi ích, ông cũng nhanh chóng nói lời từ chối với Y Pốt Niê.
Shark Bình nhận định, ông có thể giúp Ê Đê Café bổ sung “gen” về online để đưa thương hiệu đi nhanh, đi xa hơn nữa. Chủ tịch NextTech đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đổi lấy 35% cổ phần.
Shark Minh Beta đề nghị đầu tư 2 tỷ đổi lấy 15% cổ phần, 3 tỷ còn lại là khoản vay chuyển đổi có lãi suất 10%, chuyển đổi sau một năm giải ngân với định giá doanh nghiệp là 8 lần EBITDA.
Chủ tịch Beta Group cũng phân tích: “Cái bạn đang cần để khai thác được nhiều hơn là sức mạnh về truyền thông, chiến lược, tầm nhìn. Kể cả mạng lưới kết nối với thị trường nước ngoài cũng là những thứ mình khá tự tin có thể hỗ trợ được cho bạn”.
Trong khi đó, Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần và cho biết ông sẽ hỗ trợ quảng bá, truyền thông, tiếp thị cho doanh nghiệp của Y Pốt Niê.
Cạnh tranh với Shark Hùng Anh, Shark Minh Beta cho biết deal hai phần sẽ giúp startup có động lực phát triển và ít bị pha loãng cổ phần hơn. Shark Hùng Anh liền lập tức đổi ý với lời đề nghị đầu tư tương tự như Shark Minh Beta nhưng sẽ không lấy lãi suất khoản vay chuyển đổi.
Sau khi trao đổi, Y Pốt Niê mong muốn 20% cổ phần để đổi lấy số tiền đầu tư 5 tỷ.
Shark Hùng Anh cho biết ông sẽ đầu tư 2,5 tỷ đổi lấy 20% cổ phần, còn 2,5 tỷ là khoản vay chuyển đổi không lấy lãi. Shark Minh Beta cũng đưa đề nghị tương tự, khiến Shark Hùng Anh nhanh chóng quyết định rút Golden Ticket mệnh giá 100 triệu đồng để độc quyền deal với doanh nghiệp.
Y Pốt Niê đã quyết định chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Hùng Anh và nhận về chiếc Vé Vàng 100 triệu đồng.