Clever Mushroom tập trung vào mô hình kinh doanh từ cổng trang trại đến tận nhà người tiêu dùng, do đó hai vị Tiến sĩ là Trung Võ và Khuyên Nguyễn đã đưa trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, thị giác máy tính vào phòng trồng nấm để thu thập dữ liệu về toàn bộ quá trình phát triển của nấm.
Theo Trung Võ, người dùng “không cần biết cách trồng nấm mà vẫn có thể sản xuất và giao cho khách hàng của mình” khi sử dụng giải pháp của Clever Mushroom.
“Những gì bạn cần làm là sử dụng một chiếc chai để trồng nấm giống như chúng tôi. Sử dụng điện thoại di động, tải ứng dụng của chúng tôi và quét mã QR. Từ đó thiết bị thông minh của chúng tôi có thể hiểu được loại nấm bạn muốn trồng. Sau đó bạn không cần phải làm gì khác, sau 5 ngày, bạn có thể thưởng thức món nấm của mình”, Trung Võ giới thiệu.
CTO (Giám đốc Công nghệ) Khuyên Nguyễn cho biết, giải pháp của Clever Mushroom bao gồm cảm biến để thu thập dữ liệu về môi trường phòng trồng nấm, camera thông minh ghi lại hình ảnh để phân tích dữ liệu trên điện toán đám mây, từ đó xây dựng ra các mô hình điều khiển sự phát triển tối ưu của nấm.
Theo nhà sáng lập Trung Võ, nguồn lực lớn nhất của startup chính là dữ liệu thu thập được khi người dùng ứng dụng thiết bị vào phòng trồng nấm.
“Từ đó chúng tôi có thể xử lý và phát triển giải pháp của chúng tôi trên điện toán đám mây. Thiết bị của chúng tôi có thể tự động ra quyết định. Người ta không cần biết là khi nào phải bật độ ẩm lên, khi nào bật đèn, khi nào phải tắt…, tất cả mọi giải thuật đều được thực hiện tự động trên điện toán đám mây”, vị CEO của Clever Mushroom diễn giải.
Hiện tại, startup đang gặp khó trong việc thuyết phục các chủ trang trại sử dụng giải pháp này mất khá nhiều thời gian bởi “hầu hết nông dân không hiểu về công nghệ, không được đào tạo giáo dục bậc cao”. Chính vì thế, Clever Mushroom đã xây dựng một nông trại mẫu tại Australia để thị phạm về hiệu quả của mô hình trồng nấm thông minh.
Shark Hưng hoài nghi về khả năng tạo ra lợi ích cho người trồng: “Người nông dân người ta mua sản phẩm công nghệ này của các bạn có mang lại hiệu quả kinh tế gì, có làm cho giá thành nấm trở nên đắt gấp 5 , gấp 10 lần hay không?”
Shark Minh Beta thì nhận định startup cần xác định được chiến lược phát triển của doanh nghiệp. “Nếu không chúng ta sẽ thành một startup cứ loay hoay thử rất nhiều cái khác nhau, cái gì cũng muốn tìm đường để đi nhưng cuối cùng thì chúng ta không biết dồn nguồn lực vào đâu để mở một “con đường máu” tiến tới thành công”, Chủ tịch Beta Group phân tích.
Nhận thấy startup chưa thể hiện được rõ nét về tư duy quản trị, chiến lược nên Shark Minh Beta đã từ chối đầu tư.
Shark Bình đánh giá giá trị quý nhất của Clever Mushroom là “bộ não” – công nghệ AI, Big Data (Dữ liệu lớn), Machine Learning (máy học) để phân tích, đưa ra quyết định. Ông gợi ý hai nhà sáng lập có thể làm dịch vụ cho thuê công nghệ để các trang trại không tốn chi phí đầu tư, ngược lại họ sẽ chia sẻ doanh thu bán nấm với Clever Mushroom.
Do không nhận thấy tiềm năng cũng như không thực sự hiểu rõ về lĩnh vực hoạt động của startup nên Shark Bình từ chối đầu tư. Shark Hưng cũng không tham gia thương vụ vì nhận thấy không tạo được giá trị cho startup.
Shark Tuệ Lâm cho biết, cô có khẩu vị đầu tư vào lĩnh vực AgriTech tại Việt Nam với điều kiện startup cần đạt được bước tiến nhất định để chứng minh tính khả thi của mô hình kinh doanh. Tuy vậy, nữ "cá mập" đánh giá Clever Mushroom hiện chưa phù hợp nên cô từ chối đầu tư.
Chỉ còn Shark Hùng Anh bày tỏ hứng thú với dự án này. Chủ tịch Bin Corporation Group đưa ra hai phương án đầu tư để Clever Mushroom lựa chọn. Thứ nhất là đầu tư 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần, 200.000 USD còn lại cho vay. Thứ hai là đầu tư 300.000 USD để sở hữu 30% cổ phần.
Phía startup đề nghị 300.000 USD đổi lấy 15% cổ phần và kèm 5% advisory shares (cổ phần cố vấn) có hiệu lực trong vòng 4 năm. Sau đàm phán, đại diện Clever Mushroom đạt thoả thuận nhận đầu tư 300.000 USD đổi lấy 15% cổ phần, kèm 6,5% advisory shares từ Shark Hùng Anh.