Doanh nghiệp

Bức tranh kinh doanh trái chiều nhóm phân bón quý III: Một doanh nghiệp vượt lợi nhuận của Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ

Ảnh tư liệu.

Lợi nhuận nhóm ure, DAP suy giảm

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) là hai doanh nghiệp đầu ngành có sản phẩm kinh doanh chính là ure. Quý III, cả hai đơn vị này đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) rơi về mức thấp nhất nhiều quý liền.

Trong đó, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần giảm 17%, chủ yếu là do thị trường tiêu thụ trong nước kém khả quan, trong khi xuất khẩu tiến triển tốt hơn. Doanh nghiệp giải trình, giá bán mặt bằng phân bón và hóa chất quý III giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá ure giảm 35%, giá NH3 giảm 59%. Trong khi đó giá khí tăng cao so với cùng kỳ khiến lợi nhuận giảm sâu tương ứng.

Ngoài ra, do hụt thu từ khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay và cổ tức lợi nhuận được chia không còn đã kéo lợi nhuận ròng giảm 94% về 64 tỷ đồng và thấp nhất kể từ quý IV/2019.

Tương tự, Đạm Cà Mau cho biết sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý III tăng hơn 36% so với cùng kỳ nhưng giá phân bón giảm mạnh so với mức đỉnh năm 2022 khiến doanh thu suy giảm. Giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng tăng do đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường và hoạt động xuất khẩu khiến lợi nhuận ròng rơi về 74 tỷ đồng, giảm 90% so với quý III/2023 và là mức thấp nhất kể từ quý III/2019.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của công ty. 

Một doanh nghiệp cũng chuyên sản xuất phân ure là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB). Doanh thu thuần giảm 35%, và việc tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp gần 40 tỷ. Chi phí lãi vay lớn khiến doanh nghiệp tiếp tục trải qua quý thứ ba liên tiếp thua lỗ với mức lỗ ròng 309 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2022 lãi 347 tỷ đồng. Kết quả này cũng đã nâng số lỗ luỹ kế của Đạm Hà Bắc tại thời điểm 30/9 lên gần 3.762 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 1.040 tỷ.

Không chỉ nhóm ure mà mặt hàng phân bón DAP cũng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh. CTCP DAP – Vinachem (Mã: DDV) - thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết sản lượng tiêu thụ tăng hơn 95% so với cùng kỳ nhưng do giá bán giảm theo xu hướng khiến doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ. Kết quả DAP lãi ròng gần 7 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã cải thiện so với hai quý đầu năm. 

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của công ty. 

Lợi nhuận nhóm phân bón NPK, phân lân tăng bằng lần

Trái ngược với nhóm chuyên về phân ure, cả ba công ty kinh doanh về phân NPK và phân lân là CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS), CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) và CTCP Phân bón Miền Nam (Mã: SFG) đều có lợi nhuận tăng trưởng ba đến bốn chữ số so với cùng kỳ.

Cụ thể, CTCP Phân bón Bình Điền cho thấy doanh thu thuần tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ khi đơn vị niêm yết vào 2015 đến nay. Biên lãi gộp tăng từ 8% lên 12,5% kỳ này. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp hơn 13 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời xấp xỉ kết quả kỷ lục của quý IV/2021 (81 tỷ đồng).

Còn CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) giải trình doanh thu tăng 35% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ phân bón tăng thêm hơn 43.319 tấn, tương ứng tăng 45%. Trong đó, supe lân các loại tăng 17.338 tấn, NPK tăng gần 26.000 tấn. Kết quả, lãi ròng tăng trưởng 198% so với mức nền thấp cùng kỳ lên 29 tỷ đồng, nhưng đã hạ nhiệt so với hai quý đầu năm.

Tương tự, CTCP Phân bón miền Nam (Mã: SFG) cũng báo lãi lớn trong quý III với lợi nhuận ròng gấp 8,6 lần cùng kỳ. Công ty cho biết, dù doanh thu bán hàng quý III năm nay sụt giảm 26%, nhưng giá vốn cũng giảm mạnh hết khiến lợi nhuận gộp chỉ giảm 15% so với quý III năm ngoái.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cả công ty cải thiện trong khi chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ.

 Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của công ty. 

Sau nhiều tháng đi ngang, giá phân bón trong nước từ đầu tháng 9 đến nay đã có thay đổi rõ rệt. Giá ure Phú Mỹ và Cà Mau hay DAP đều đã có chuyển biến về giá. 

 Nguồn: Wichart.

TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết sau khi Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp hạn chế xuất khẩu ure hôm 6/9, giá mặt hàng này trên thị trường thế giới có xu hướng tăng nhẹ. Thị trường phân bón của Việt Nam vốn “nhạy cảm” với thế giới, giá các mặt hàng ure, DAP trong nước cũng rục rịch đi lên.

Ở phương diện khác, theo quy luật thị trường các năm, nhu cầu phân đạm ure sẽ tăng cao khi bước vào cao điểm vụ Đông Xuân là tháng 11 và tháng 12, kéo theo giá phân bón tăng theo. Tuy nhiên, giá bán phân bón được dự báo ổn định ở mức bình quân các năm trước nhờ nguồn cung dồi dào.

Theo CTCP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, tại thời điểm hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ure trong nước đã tăng hơn tháng 9 nhưng vẫn chưa cao. Khảo sát thực tế tại các thị trường trong nước cho thấy, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện diện tích gieo sạ vụ Đông Xuân vẫn ở mức thấp. Tương tự, nhu cầu phân bón tại miền Bắc, tăng nhẹ trong 2 tuần cuối tháng 10 nhưng vẫn chưa cao.

Dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Fertecon, việc Trung Quốc duy trì lệnh hạn chế xuất khẩu ure sẽ khiến giá ure thế giới có thể biến động. Mặt khác, Công ty nghiên cứu thị trường Argus nhận định, cam kết tiêu thụ mạnh mẽ phân ure từ Ấn Độ và nhu cầu gia tăng ở châu Âu và Brazil, cộng với mô hình mua hàng thận trọng của các nhà nhập khẩu hiện nay cũng sẽ giúp giá phân ure duy trì ở mức hợp lý.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhìn nhận hiện Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu urê, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen và xung đột Israel - Palestine vẫn diễn biến phức tạp nên giá phân ure có thể biến động.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm