Đối với hầu hết cụ ông cụ bà, Yang (38 tuổi) là nhiếp ảnh gia thứ hai mà họ từng gặp trong đời. Lần đầu tiên của họ là chụp ảnh thẻ căn cước.
Chia sẻ về ý tưởng chụp ảnh thờ cho người dân nông thôn và động lực để thực hiện dự án "Một kỷ niệm dành cho người cao tuổi", Yang cho rằng cuộc sống không kết thúc khi ai đó chết đi mà là khi họ bị lãng quên.
Trước khi chụp, nhóm của Yang giúp các ông bà chải tóc, phủi bụi quần áo và hỏi chuyện bằng ngôn ngữ địa phương về cuộc sống hàng ngày. "Chúng tôi muốn họ cảm thấy thư giãn và trông hoàn hảo nhất có thể trước ống kính", Zhao Dan, trợ lý của Yang, nói.
Khi hậu kỳ, Yang không xóa bất kỳ nếp nhăn hay tàn nhang nào, chỉ xóa khuyết điểm cơ thể, chẳng hạn một người bị mù. "Chúng tôi muốn nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa tính xác thực và sự chỉn chu", Yang nói.
Hành động của nhà báo Yang bắt nguồn từ chuyến thăm nhà một cụ bà trong làng vào năm 2017. Khi đó, Yang nhìn thấy một tấm bảng tưởng niệm làm từ hộp giấy cho người chồng quá cố. Khi Yang hỏi tại sao không có ảnh chân dung, người này trả lời với một nụ cười gượng gạo: "Người già trong thôn có khi nào chụp ảnh đâu". Cụ bà dường như không thể nhớ được gương mặt của chồng mình và hối hận vì điều đó
Theo chia sẻ của bà cụ, tiệm ảnh gần thôn nhất cũng cách vài giờ đi ôtô nên hầu hết dân làng đều chấp nhận việc họ không có ảnh. Con cháu của họ đã di cư đến các thành phố và mỗi năm chỉ về quê vài ngày. Rất ít dân làng có điện thoại thông minh, chưa nói tới biết dùng tính năng chụp ảnh.
Theo số liệu chính thức của chính quyền, Thương Lạc có 2,5 triệu nhân khẩu vào năm 2022. Gần nửa triệu người đã rời địa phương để đi làm việc ở nơi khác. Người già ở lại quê hương sẽ nhờ con cái chuẩn bị phần mộ và quan tài.
Trong những chuyến công tác nông thôn, Yang thường nghe dân làng nói về đám tang của bạn bè họ và than thở về việc không có ảnh thờ hoặc có bức ảnh phóng ra từ căn cước nên rất mờ. Ảnh thờ cũng thể hiện sự khao khát được gia đình nhớ đến. "Họ đã làm việc chăm chỉ cả đời để nuôi con cái và không muốn bị lãng quên", Yang chia sẻ.
Khi Yang tiến hành dự án cùng với các cán bộ thôn, cô lo ngại dân làng sẽ không tham gia do tính chất nhạy cảm. Nhưng nỗi lo của cô biến mất nhanh chóng khi người dân lũ lượt đến xếp hàng. Thậm chí, vài người còn đi bộ hàng giờ đến nơi chụp ảnh.
Zhao, người tham gia từ buổi đầu của dự án, cho rằng người già thực ra còn giác ngộ về cái chết hơn. Khi chờ đến lượt, mọi người động viên nhau chụp tự nhiên hoặc vui vẻ nhất có thể.
Theo Yang, thái độ ấy là kết quả từ điều kiện sống của họ. "Họ nhìn nhận sự sống và cái chết như sự thay đổi của các mùa", cô nói. Nó cũng nhất quán với phong tục địa phương khi người già thường chọn quan tài và vải liệm ngay khi còn sống.
Trước năm 2020, tất cả các huyện Thương Lạc đều trong tình trạng nghèo đói. Trong 7 năm qua, Yang chứng kiến nhiều đổi thay ở các ngôi làng, từ lát đường bê tông đến đèn đường. Khi các ngành nghề như năng lượng mặt trời và thảo mộc xuất hiện, dân làng cũng được chính quyền địa phương thanh toán bằng tiền mặt, đời sống có sự cải thiện đáng kể.
Dù vậy, sống xa con cháu trong thời gian dài khiến họ cô đơn. Dân làng thường nói với Zhao rằng cô còn đối xử tốt hơn con cái của họ. "Chúng tôi rất vui vì đang làm điều gì đó để lấp đầy khoảng trống tinh thần đó," cô nói.
Yang chia sẻ về dự án trên ứng dụng Douyin và được truyền thông đón nhận. Một người có ảnh hưởng trên mạng thậm chí còn sáng tạo đoạn phim từ những câu chuyện của Yang.
Điều cô tâm đắc nhất là các video của cô đã truyền cảm hứng cho những người khác khởi động các dự án tương tự ở quê nhà. Cô dự định tiếp tục dự án cho đến khi tất cả những người già ở Thương Lạc đều được chụp ảnh.
(Theo Sixth Tone)