Theo Cơ quan Quản lý động vật hoang dã Thái Lan, bẫy ảnh đã chụp lại được hình ảnh một cá thể hổ Mã Lai tại Vườn quốc gia Bang Lang, tỉnh Yala.
Trước đó, lực lượng kiểm lâm Thái Lan đã lắp đặt hàng loạt bẫy ảnh bên trong Vườn quốc gia Bang Lang như một phần của chương trình giám sát động vật hoang dã, đồng thời hy vọng có thể phát hiện những loài sinh vật mới tại vườn quốc gia có diện tích 261 ki-lô-mét vuông này.

Cá thể hổ Mã Lai cực quý hiếm được bẫy ảnh ghi lại tại Thái Lan (Ảnh: Cục Công viên Quốc gia, Động vật hoang dã và Bảo tồn Thực vật Thái Lan).
Chalerm Phoommai, Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Động vật Hoang dã Thái Lan, cho biết đây là lần thứ hai phát hiện dấu vết và hình ảnh của loài hổ Mã Lai tại Thái Lan. Lần đầu tiên một cá thể hổ Mã Lai được tìm thấy tại quốc gia này vào năm 2023 và được đặt cho tên gọi Bang Lang 01.
Vẫn chưa rõ cá thể hổ mới xuất hiện có phải là Bang Lang 01 hay không.
"Phát hiện này nhấn mạnh sự phong phú về mặt sinh thái của Vườn Quốc gia Bang Lang ở Yala. Những khu vực này là hành lang quan trọng kết nối các khu rừng được bảo vệ dọc biên giới Thái Lan và Malaysia", ông Chalerm chia sẻ.
Ngoài hổ, hệ thống bẫy ảnh lắp đặt tại Vườn Quốc gia Bang Lang cũng đã ghi lại được hình ảnh của nhiều loài động vật quý hiếm khác như voi, bò tót, lợn vòi…
Hình ảnh hổ Mã Lai vừa được ghi lại tại Thái Lan đã giúp cơ quan chức năng quốc gia này xác định được phạm vi phân bố của loài hổ Mã Lai, từ đó xây dựng chiến lược bảo tồn dài hạn đối với loài động vật rất quý hiếm này.
Hổ Mã Lai - Loài động vật được ví như "bóng ma rừng rậm"
Hổ Mã Lai, tên khoa học Panthera tigris jacksoni, là phân loài hổ chỉ được tìm thấy tại khu vực trung tâm và phía nam bán đảo Mã Lai, bao gồm Malaysia, Thái Lan và Singapore. Tuy nhiên, hiện loài hổ này đã không còn được tìm thấy tại Singapore.
Hổ Mã Lai là loài có kích thước nhỏ, tương đương với họ hàng gần của chúng là hổ Đông Dương và nhỏ hơn hổ Bengal, loài hổ được xem là biểu tượng của Ấn Độ.
Hổ Mã Lai khi trưởng thành có thể dài từ 190 đến 280cm, nặng từ 48 đến 130kg, cá thể đực lớn hơn con cái.

Một cá thể hổ Mã Lai trong môi trường nuôi nhốt (Ảnh: Getty).
Giống như tất cả các loài hổ khác, hổ Mã Lai là loài sống đơn độc và thường chỉ cặp đôi khi đến mùa sinh sản (từ tháng 11 đến tháng 3). Trong thời gian này, con cái thường để lại mùi hương của mình để thông báo sẵn sàng giao phối với bạn tình tiềm năng. Những con đực sẽ lần theo mùi hương để tìm con cái.
Trong trường hợp có nhiều con đực cùng tìm đến, chúng phải đọ sức mạnh để tìm ra con đực xứng đáng nhất.
Hổ Mã Lai sống trong môi trường rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Thức ăn của chúng là lợn rừng, hươu, nai, bò rừng, voi con… Dù sở hữu sức mạnh ấn tượng, hổ Mã Lai thường tránh những cuộc đụng độ với các loài động vật to lớn như voi, gấu… bởi vì nếu bị thương, chúng khó có thể tiếp tục săn mồi một mình để sinh tồn.
Quần thể hổ Mã Lai đã từng phát triển mạnh tại bán đảo Mã Lai và Singapore vào những năm 1800, khi nơi đây vẫn còn là một khu vực rừng rậm rạp. Vụ tấn công gây chết người đầu tiên do hổ Mã Lai gây ra được ghi nhận vào năm 1831.
Do các vụ tấn công của hổ Mã Lai nhằm vào con người thường xảy ra ban đêm, loài hổ này còn được đặt biệt danh "bóng ma rừng rậm".
Việc mở rộng đồn điền trên đảo Singapore đã làm tăng số vụ đụng độ giữa con người và hổ Mã Lai. Chính quyền địa phương đã tổ chức những cuộc thi săn hổ và xem đó như một môn thể thao, điều này khiến số lượng hổ Mã Lai tại Singapore giảm sút mạnh và biến mất hoàn toàn vào những năm 1950.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thiên nhiên hoang dã Malaysia, hiện chỉ còn khoảng từ 80 đến 120 cá thể hổ Mã Lai còn sống ngoài tự nhiên, rải rác tại Malaysia và Thái Lan. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp hổ Mã Lai vào danh sách loài động vật cực kỳ nguy cấp, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên.
Những nguyên nhân chính khiến số lượng hổ Mã Lai ngày càng bị giảm sút là do mất môi trường sống, rừng bị phân mảnh dẫn đến hổ không thể ghép đôi với nhau, số lượng con mồi giảm sút, nạn săn trộm…