Thời sự

Bộ Tài chính dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2023

Người dân mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Điều hành Giá họp bàn phương án điều hành giá cuối năm, diễn ra ngày 11/10, Bộ Tài chính dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2-3,6%.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát. Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022; kịch bản 2 ở mức cao hơn, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2-3,6%. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3%-3,6%. Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,4% (cộng trừ 0,3%).

Bộ Tài chính cho rằng dư địa kiểm soát tiếp tục tăng là điều kiện thuận lợi để thực hiện việc điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá các mặt hàng này đến CPI năm 2023 còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ, ngành.

Trường hợp điều chỉnh vào tháng cuối năm thì tác động đến CPI bình quân năm 2023 dự kiến không quá lớn nhưng sẽ tác động trễ sang năm 2024.

Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ Tài chính cho rằng việc quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2023 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao cũng như làm giảm bớt áp lực, tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2024.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh trong quý 4/2023, trong điều kiện vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4,5%, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động phải đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp (đặc biệt là giá bán lẻ điện). Đồng thời, cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu.

Đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu khác, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động quản lý theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để có biện pháp điều hành phù hợp.

 

Ngoài ra, thực hiện đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tặng cao vào dịp cuối năm.

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, để đảm bảo bình ổn giá, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cần cho phép các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính có quyền yêu cầu các đơn vị có biểu hiện tăng giá vô lý, đột biến, không có cơ sở phải kê khai giá. Nếu thu lợi nhuận quá mức, hơn cả người sản xuất thì cơ quan chức năng yêu cầu hạ giá xuống và có chế tài xử lý.

“Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2023, Nhà nước cần quan tâm đến việc điều chỉnh giá các mặt hàng là đầu vào của toàn xã hội như xăng dầu, điện, than... và có lộ trình công bố trước. Không tăng giá mặt hàng thiết yếu khi chưa được cơ quan kiểm toán công nhận," chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Theo Bộ Tài chính, CPI 9 tháng năm 2023 cơ bản được kiểm soát theo đúng mục tiêu đề ra. Giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần.

Năm nay, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Riêng mặt hàng thóc gạo giá tăng do cung và nhu cầu từng giai đoạn; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.     

Cùng chuyên mục

Đọc thêm