Sau khi lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh thời gian gần đây, một phần tiền nhàn rỗi của người dân đã có xu hướng đổ vào kênh BĐS. Theo đó, thị trường ghi nhận một số phân khúc như nhà đất phục vụ nhu cầu ở thực, căn hộ chung cư đã rục rịch có giao dịch trở lại.
Mặc dù vậy, để sớm chốt các giao dịch thành công, nhiều chủ nhà đã không còn đưa ra mức giá “trên trời” như trong giai đoạn BĐS sốt nóng, thay vào đó nhiều người chấp nhận giảm giá cho khách mua từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Sau gần 3 tháng rao bán căn nhà 5 tầng có diện tích đất 40m2 trong ngõ với mức giá 3,7 tỷ đồng không chốt được khách mua, mới đây chị Quỳnh (Hoàng Mai - Hà Nội) đã chấp nhận giảm giá căn nhà của mình chỉ còn 3,3 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch chuyển nhượng.
Tương tự như chị Quỳnh, để bán được căn nhà trong ngõ tại Mễ Trì sau nhiều tháng rao bán không thành công, anh Tân, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội đã buộc phải giảm thêm 500 triệu đồng cho khách mua. Nhà đầu tư này cho biết việc bán nhà của mình không được giá như kỳ vọng ban đầu, tuy nhiên việc bán nhanh được thời điểm này giúp anh có thể thực hiện được các kế hoạch kinh doanh khác.
Theo các môi giới, nhà đất phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người
Anh Hoàn, một môi giới BĐS tại Long Biên – Hà Nội cho biết thời gian gần đây nhiều sản phẩm được chủ nhà, đơn vị đầu tư ký gửi rao bán tại văn phòng anh cũng đang được giảm giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Trong đó, căn nhà có diện tích đất 64m2 được xây dựng 6 tầng tại khu hàng không Nguyễn Sơn, Long Biên được giảm sâu 1,5 tỷ đồng đưa mức rao bán chỉ còn 10,9 tỷ đồng. Trong khi đó, căn góc có diện tích đất 54m2 được xây 7 tầng tại phố Đàm Quang Trung, Long Biên được chủ rao bán giảm 800 triệu đồng còn 12,7 tỷ đồng.
Môi giới này cho biết những căn nhà được giảm giá với số tiền lớn chủ yếu nằm ở phân khúc từ 5 tỷ đồng trở lên. Mức giảm giá khoảng 1 tỷ đồng đến từ những căn nhà phố có giá rao bán thường trên 10 tỷ đồng. Trong khi đó, với phân khúc dưới 3,5 tỷ đồng, các chủ nhà thường giảm giá không nhiều.
Chị Dung, một môi giới BĐS tại Hà Đông – Hà Nội cũng cho biết dù một số phân khúc BĐS đã có giao dịch trở lại, tuy nhiên nhiều chủ nhà cần tiền gấp để kinh doanh hoặc đầu tư nên cũng sẵn sàng chấp nhận giảm giá cho người mua số tiền từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng với những giao dịch ở phân khúc 3,5 tỷ đồng trở xuống.
Môi giới này cho biết hiện nhu cầu nhà ở tại Hà Nội vẫn rất lớn, đặc biệt là những phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại tài chính của khách đi xem cũng có nhiều hạn chế do kinh tế đang có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao và tiềm ẩn rủi ro nên việc sử dụng đòn bẩy ngân hàng để mua nhà thời điểm này cũng khiến khách hàng đắn đo. Do đó để giao dịch thành công ở thời điểm này cần sự chia sẻ khó khăn từ bên bán.
"Mỗi căn nhà sẽ có những lợi thế và điểm yếu khác nhau. Để giao dịch thành công, ngoài nhu cầu của người mua, việc chủ nhà chấp nhận mức giá thấp hơn giá rao bán là điều kiện quyết định", chị Dung chia sẻ.
Trong khi đó, nhận định về diễn biến tiếp theo của thị trường BĐS Hà Nội thời gian tới, đại diện Savills Hà Nội cho rằng, nhu cầu nhà ở dài hạn tại Hà Nội vẫn sẽ ở mức cao với tỉ lệ di cư thuần dương, dân số tăng và tốc độ đô thị hóa cao.
Theo thông lệ hằng năm, vào quý 4/2023 của năm, dòng tiền từ các nguồn có khả năng sẽ được cải thiện hơn nhờ các khoản đáo hạn vào cuối năm. Điều này có thể sẽ là động lực hỗ trợ người mua đưa ra quyết định mua nhà. Đồng thời, một điểm thuận lợi nữa là mức lãi suất đã có sự điều chỉnh hợp lý, phần nào sẽ thúc đẩy quyết định mua nhà.
Tuy nhiên, bà Hằng cũng chỉ ra thị trường vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, đơn cử là sự chênh lệch trong cung – cầu và giá vẫn neo ở mức cao. Thị trường chủ yếu ghi nhận nguồn cầu đối với nhà ở vừa túi tiền thì tỷ trọng nguồn cung của phân khúc này toàn thị trường vẫn ở mức thấp.