Hơn một tháng từ ngày chồng mất đột ngột, chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi) nói vẫn "vô cùng chông chênh" và đau buồn nhưng cảm thấy được an ủi vì biết một phần cơ thể anh vẫn sống tiếp trong bốn người khác.
"Tôi đã làm đúng tâm nguyện của chồng, ký đơn đồng ý hiến tặng mô tạng cho bệnh viện", người vợ nói.
Hòa kể tâm nguyện của anh Bình (chồng chị) có từ 14 năm trước sau lần xem chương trình truyền hình nói về một phụ nữ bán hàng vỉa hè tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời. "Hiến tạng là đem lại cuộc sống mới cho người cần một phần thân thể mình", câu nói của nhân vật gây ấn tượng mạnh tới hai vợ chồng. Họ thống nhất cùng hiến tạng sau khi chết. Ai mất trước, người còn lại phải thực hiện đúng di nguyện.
Thời gian trôi qua, vợ chồng cuốn vào vòng mưu sinh, không ai nhắc lại việc này cho đến ngày chị Hòa mổ ung thư tuyến giáp, đầu tháng 8/2023. Suốt thời gian nằm viện, chị làm bạn với chiếc TV và hơn một lần ứa nước mắt khi xem chương trình nói về bệnh nhân chờ ghép gan ba năm nhưng không có người hiến tặng. Lúc này Hòa bỗng nhớ tới lời cam kết với chồng.
Ngày người vợ xuất viện cũng là ngày nhận tin chồng đột quỵ. Sau ba ngày hồi sức tích cực, tình trạng không có chuyển biến, bác sĩ chẩn đoán anh chết não. Nghe tin, chị ngã gục. Khi gia đình chuẩn bị đưa về quê lo hậu sự, chị bỗng khựng lại vì nhớ tới lời dặn của chồng năm nào.
Chị Hòa nghĩ đến bệnh ung thư của chính mình, nhớ lại những thời khắc vừa trải qua và hình ảnh bệnh nhân ba năm chờ ghép tạng trong vô vọng cứ lởn vởn trong tâm trí. Chị hiểu cảm giác hy vọng, chờ đợi và rồi tuyệt vọng. Người phụ nữ đến gặp bác sĩ đề nghị được hiến mô tạng của chồng.
Từ chữ ký của chị, những con người xa lạ đã có sự sống mới. Các bác sĩ đã lấy tim, thận và lá gan của anh cứu sống bốn người.
Nhưng quyết định này của chị vấp phải không ít lời dị nghị từ họ hàng, làng xóm. Họ chê trách chị "không cho chồng chết yên ổn", sợ nếu sang một thế giới khác anh sẽ đau đớn vì không còn trọn vẹn. Thậm chí có người ác khẩu còn hỏi chị "bán nội tạng chồng được bao nhiêu tiền?".
Ban đầu Hòa còn giải thích, nhưng về sau chỉ trả lời: "Cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp". Điều khiến chị cảm thấy hạnh phúc hơn cả là được bác sĩ thông báo những người nhận tạng đều tiến triển tốt, khỏe mạnh hơn trước. Hai tuần sau ngày chồng mất, chị cũng đến bệnh viện đăng ký hiến tạng.
"Anh đã sống trọn vẹn cuộc đời của mình, đến khi mất vẫn làm việc giúp người, đó là điều tôi thấy tự hào nhất", chị Hòa chia sẻ.
Chị Hòa quen chồng, một người đàn ông khuyết tật, lưng gù gập 90 độ gần hai mươi năm trước. Lấy nhau, chị ở nhà thu gom phế liệu, trông bố đẻ bị tâm thần, kết hợp ai thuê gì làm nấy còn anh chạy xe ba gác chở hàng thuê.
Kinh tế gia đình eo hẹp, để có gạo ăn, người phụ nữ này xin lại ruộng bỏ hoang, một mình cấy hơn 9 sào, ngoài ra còn trồng rau, nuôi gà lợn. Nhưng cái nghèo chưa bao giờ rời bỏ họ. Tài sản giá trị nhất từ ngày về chung nhà là hai đứa con.
Hòa kể, lúc còn sống anh Bình rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật địa phương, từng hai lần được chủ tịch huyện tặng bằng khen. Dù đi lại khó khăn nhưng anh luôn giúp đỡ các thành viên trong hội, hỗ trợ họ học lái xe ba gác để tự kiếm kế sinh nhai. Không ít lần người đàn ông này còn nhường đơn hàng cho người mới vào nghề, dù hôm đó ra về tay trắng.
"Chồng tôi là vậy, luôn động viên vợ dù khó khăn thế nào cũng phải sống đẹp", chị nói.
Đầu năm nay khi phát hiện ung thư tuyến giáp, nhiều người khuyên Hòa nên xin sổ hộ nghèo bởi gia cảnh vốn túng bấn giờ thêm bệnh tật. Nhưng chị kiên quyết từ chối với lý do "con người mong giàu chẳng được, ai lại muốn nghèo đi", đồng thời nhường lại suất cho người khó khăn hơn.
Sau ngày chồng mất, trưởng thôn có ý định đưa gia đình vào danh sách hộ nghèo, nhưng lần này Hòa lại chỉ tay vào mấy bao thóc vừa thu hoạch nói: "Nhà tôi nhiều lúa thế này, ăn thừa còn bán, sao được coi là hộ nghèo. Còn sức khỏe sẽ còn kiếm ra tiền".
Ông Phạm Viết Sáng, trưởng thôn Quất Động cho hay hiếm người được như chị Hòa bởi năm lần bảy lượt đề cử vào hộ nghèo, nhưng lần nào cũng từ chối. "Cô ấy không nề hà việc gì, ai nhờ cũng giúp đỡ hết lòng. Trồng được ít lúa vẫn mang đến cho người có hoàn cảnh khó khăn và neo đơn trong làng", ông Sáng nói.
Điều người phụ nữ này lo lắng nhất là tâm lý hai đứa con 14 và 13 tuổi. Từ ngày bố mất, hai chị em trở nên lầm lũi, ít nói ít cười. Để các con hiểu hơn nghĩa cử của bố, người mẹ thường tâm sự, nói rằng việc hiến tạng cũng có thể khiến bố ở lại trần gian này theo một cách khác.
"Gia đình mình từng nhận được lòng tốt từ xã hội nên giờ cố gắng đền đáp. Mẹ tin các con sẽ ủng hộ quyết định của bố mẹ", chị Hòa nói.