Ngày 8/7, tài khoản có tên meli0das rao bán dữ liệu trên một diễn đàn hacker với số tiền 3.500 USD. Người này khẳng định đây là thông tin của 30 triệu người dùng được thu thập "từ một website trường học phổ biến ở Việt Nam", bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học và địa chỉ.
Một số tài khoản trên mạng xã hội sau đó đưa ra nghi vấn lượng dữ liệu nói trên có thể rò rỉ từ cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày 13/7, Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, rà soát sự việc thông qua thông tin mà người bán nói trên chia sẻ. Theo đó, dữ liệu này có nhiều điểm khác với dữ liệu mà Bộ đang quản lý.
"Dung lượng dữ liệu, cấu trúc dữ liệu, trường dữ liệu, độ chính xác dữ liệu, và logic sắp xếp dữ liệu cho thấy nguồn này khác với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ GD&ĐT quản lý", Cục này kết luận.
Đơn vị này cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an để tiếp tục xác minh, đồng thời rà quét, kiểm tra các hệ thống bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin.
Trên diễn đàn của hacker, ngoài bài rao dữ liệu được cho là của 30 triệu người dùng nói trên, meli0das còn bán dữ liệu "360.000 sinh viên Việt Nam", được thu thập từ một website. VnExpress đã liên hệ nhưng chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này sau một ngày.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ ứng dụng CNTT cho ngành giáo dục như hệ thống học, thi, quản lý trực tuyến chủ động kiểm tra và khắc phục các lỗ hổng bảo mật nếu có để đảm bảo an toàn dịch vụ.
Theo các chuyên gia bảo mật, với dữ liệu cá nhân của người dùng, kẻ gian có thể sử dụng vào mục đích xấu như spam quảng cáo, tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Trong bài rao của mình, meli0das cũng đánh giá "cơ sở dữ liệu này rất hữu ích cho việc tiếp thị hay đánh cắp thông tin, vì con số này tương đương 1/3 dân số Việt Nam".