Từ 2020, khủng hoảng chuỗi cung ứng do đại dịch khiến các nhà sản xuất thiết bị điện tử, từ điện thoại, máy tính cho đến ôtô phải chạy đua để mua và tích trữ chip. Đến đầu năm nay, khó khăn vẫn tiếp diễn khi nhiều nhà máy tại Trung Quốc ngưng trệ do Covid-19 cũng như tác động từ các xung đột địa chính trị.
Tuy nhiên, vài tuần gần gây, mọi thứ dần thay đổi. Cuối tháng 6, công ty chip nhớ Micron Technology thông báo giảm sản lượng. Theo Sumit Sadana, Giám đốc kinh doanh của hãng, nhu cầu thị trường bắt đầu chuyển từ thiếu sang thừa, đồng thời dự báo doanh thu quý II/2022 đạt 7,2 tỷ USD, thấp hơn mức 9,05 tỷ USD của Phố Wall đưa ra trước đó.
"Nhu cầu chip đã yếu đi đáng kể, kể cả ở những khu vực bị hạn chế tiếp cận chip trước đây", Nikolay Todorov, nhà phân tích tại Longbow Research, nhận xét.
Còn theo Dan Hutcheson, chuyên gia về bán dẫn của TechInsights, sự thừa nhận của Micron có thể là khởi đầu cho nhiều tin xấu hơn ở lĩnh vực chip. "Micron đã cày xới mặt đất bằng sự trung thực của họ", Hutcheson nói.
Tích trữ chip - lý do khiến thị trường đi xuống
Trước đây, mua chip "đúng lúc" là tiêu chuẩn của các công ty bảo thủ về mặt tài chính. Họ đặt hàng các bộ phận càng gần thời gian sản xuất càng tốt để tránh dư thừa hàng tồn kho, giảm công suất nhà kho và cắt giảm chi tiêu trả trước. Nhưng khi Covid-19 bùng phát cách đây hai năm, các công ty nỗ lực mua càng nhiều chip càng tốt để đảm bảo việc sản xuất, giống như làn sóng mua thật nhiều giấy vệ sinh.
Tuy nhiên, đại dịch đang trên đà được kiểm soát trên toàn cầu, kéo theo việc sản xuất chip ổn định hơn. Hutcheson, người đã theo dõi thị trường bán dẫn 40 năm, cho rằng một số công ty tích trữ chip quá đà bắt đầu cảm thấy gánh nặng. "Tích trữ là điều họ nghĩ là cần thiết, cho đến một ngày họ nhìn vào kho hàng và nói: Tại sao tôi có mớ hàng tồn kho này? Nó giống như trữ giấy vệ sinh", Hutcheson nhận xét trên Reuters.
Tuy nhiên, khủng hoảng dư thừa chip sẽ không đồng đều giữa các lĩnh vực. Tristan Gerra, nhà phân tích về chất bán dẫn của Baird, đánh giá các nhà cung cấp chip lớn cho những công ty sản xuất điện tử tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó, lĩnh vực bán dẫn đặc thù như chip cho card đồ họa chơi game hoặc cho "trâu cày" tiền số cũng bị tác động lớn. "Sẽ có một cú sụt giảm nữa về giá, nhất là khi thị trường tiền số đang trên đà sụp đổ", Gerra nói.
Theo nhà phân tích Matt Bryson của Wedbush, một số công ty khác chuyên sản xuất chip cao cấp có thể chịu tác động ít hơn. Chẳng hạn, TSMC của Đài Loan sẽ vẫn phải tăng cường sản xuất do nhu cầu cao từ Apple và các đối tác khác.
Còn theo Gerra, các nhà sản xuất chip để cung cấp ôtô và trung tâm dữ liệu vẫn sẽ phát triển mạnh, bởi nhu cầu loại linh kiện này chưa có dấu hiệu suy giảm. Việc dư thừa được dự đoán sẽ nằm ở các loại chip ít quan trọng hơn, như chip tần số vô tuyến RF được sử dụng trong smartphone.
Theo Mark Lipacis, nhà phân tích của Jefferies, một số công ty chip được cho là đang "trang bị lại" dây chuyền để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, các nhà sản xuất đang cân nhắc việc quyết định sử dụng hết chip trong kho thay vì mua mới và hủy một số đơn đặt hàng trước đó.
(theo Reuters)