Công nghệ

Bluetooth - công nghệ phổ biến nhưng trì trệ

Hãng nghiên cứu ABI Research ước tính trong năm 2022, có khoảng 5 tỷ thiết bị hỗ trợ Bluetooth sẽ được giao đến tay người dùng. Đến 2026, con số này dự kiến tăng lên 7 tỷ. Công nghệ không dây này xuất hiện trong mọi thứ từ điện thoại thông minh, tủ lạnh đến bóng điện..., cho phép chúng kết nối với nhau trong phạm vi gần.

Tuy nhiên, trái với sức lan tỏa ngày một lớn, Bluetooth, ra đời từ năm 1997, gần như không cải thiện được những hạn chế tồn tại suốt hai thập kỷ. Giáo sư Chris Harrison chuyên về tương tác giữa con người và máy tính tại Đại học Carnegie Mellon cho biết: "Tôi luôn có hai thái cực yêu và ghét với Bluetooth. Khi hoạt động, nó thật tuyệt vời, ngược lại bạn sẽ phải vò đầu bứt tóc nếu nó gặp trục trặc. Chẳng có lời hứa nào về việc sẽ làm cho công nghệ này trở nên liền mạch, dễ dùng nhất có thể".

Theo ông, Bluetooth khác Wi-Fi ở chỗ "phạm vi hoạt động vốn có rất ngắn". Ngày nay, nhiều thiết bị như điện thoại, loa di động vẫn được thiết lập với khả năng kết nối trong khoảng cách kết nối giới hạn, công suất thấp. Việc công nghệ được phát triển miễn phí cho mọi người có thể là một trong những nguyên nhân khiến nó trì trệ, chậm đổi mới.

Bluetooth phải chia sẻ kết nối và cạnh tranh với hàng loạt sản phẩm khác sử dụng dải sóng phổ không được cấp phép như điều khiển từ xa của TV và có thể bị gián đoạn hiệu năng.

Ví dụ, khi ai đó muốn thiết lập Bluetooth cho loa không dây trong một chung cư ở New York, họ sẽ không muốn bất kỳ ai trong bán kính 15 mét có thể kết nối tới loa của mình. Một trong những rắc rối của Bluetooth là các nhà sản xuất thiết bị ít tìm cách tối ưu hóa chế độ "discovery" (khám phá). Đôi khi thiết bị sẽ tự động khởi động chế độ này và thông báo sẵn sàng ghép nối. Ngoài ra, chất lượng truyền tải âm thanh qua Bluetooth luôn bị các tín đồ âm nhạc phàn nàn là quá tệ.

Không chỉ rắc rối trong sử dụng, nhiều cơ quan của chính phủ đã khuyến cáo người dùng về rủi ro an ninh khi dùng Bluetooh. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ cảnh báo rằng những kết nối như Wi-Fi, Bluetooth luôn đặt dữ liệu cá nhân vào tình trạng nguy hiểm nếu người dùng không cẩn thận.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng tỏ ra thận trọng với Bluetooth. Trong video chúc mừng Tổng thống Joe Biden đắc cử, Harris cầm trên tay một mớ tai nghe có dây thay vì tai nghe Bluetooth. Theo Politico, từ lâu bà đã cảm thấy tai nghe Bluetooth tiềm ẩn nguy cơ bảo mật.

Tuy nhiên, những cảnh báo trên vẫn không đủ để khiến người dùng và các nhà sản xuất lớn hạn chế dùng công nghệ kết nối này. Apple là một trong những hãng nổi tiếng nhất loại bỏ tai nghe truyền thống, chuyển sang tai nghe True Wireless hỗ trợ Bluetooth. Các công ty khác cũng bắt chước AirPods và tung ra những model tương tự.

Bất chấp những sai sót đã tồn tại hai thập kỷ mà không được sửa chữa, nhu cầu về Bluetooth vẫn tăng dần theo năm tháng. "Dù Bluetooth xuất hiện khắp nơi, công nghệ này vẫn chưa đạt đỉnh. Trong kỷ nguyên Intetnet vạn vật, kết nối này sẽ tiếp tục là chất keo gắn kết các thiết bị thông minh trong phạm vi gần, khi đó Bluetooth sẽ thật sự bùng nổ", Harrison dự đoán.

(theo CNN)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm