Tài chính

Biến động tỷ giá có thể chững lại trong 6 tháng cuối năm

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

 

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 1/3, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.002 VND/USD, so với đầu tuần, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD giảm 2 đồng.

Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.202 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.801 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng bạc xanh ngày cuối tuần được niêm yết tại BIDV ở mức 24.490 - 24.800 VND/USD (mua vào - bán ra). Như vậy, giá đồng bạc xanh tại ngân hàng giữ nguyên mức giá ở cả chiều mua vào bán ra so với đầu tuần.

Giá đồng USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.440 - 24.810 VND/USD (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này giảm 30 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với đầu tuần.

Nhìn nhận trong dài hạn, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, nếu tăng, sẽ khoảng 3%. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỷ giá có thể chững lại hoặc giảm.

Bởi nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Trên thị trường thế giới, ngày 1/3 chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,16%, đạt mốc 104,13 điểm.

Đến ngày giao dịch cuối cùng của tuần, đồng USD lại giảm 0,26% và chốt ở mốc 103,89 điểm do dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến. Cụ thể, hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 2, với số lượng việc làm tại nhà máy giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng, trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới cũng giảm. Chi tiêu xây dựng cũng giảm trong tháng 1, ngược lại so với kỳ vọng của thị trường.

Nhiều nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong những tháng tới, trong khi lạm phát có thể sẽ tiếp tục giảm xuống gần mục tiêu 2% hằng năm của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Điều đó sẽ thúc đẩy Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và khiến đồng bạc xanh giảm giá.

Chủ tịch Fed tại San Francisco, Mary Daly, trong phát biểu ngày 29/2 nói rằng các quan chức Fed đã sẵn sàng cho việc hạ lãi suất nhưng nhấn mạnh không bắt buộc phải hành động sớm do nền kinh tế mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Atlanta, Raphael Bostic, cho rằng các số liệu lạm phát gần đây cho thấy có những trở ngại trong quá trình hướng tới mục tiêu 2%, và nhắc lại quan điểm có thể là phù hợp để hạ lãi suất vào mùa Hè năm nay.

Chủ tịch Fed tại Chicago, Austan Goolsbee, tin rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt tiến triển lớn trong dài hạn và việc lạm phát tăng trong tháng 1/2024 sẽ không ảnh hưởng tới điều đó.

Về tình hình nền kinh tế, số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày 29/2 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 13.000, lên 215.000 trong tuần kết thúc ngày 24/2.

Còn theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,3% trong tháng 1/2024. PCE lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,4%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2023.

Bà Mester, người có quyền bỏ phiếu trong ủy ban hoạch định chính sách của Fed, cho rằng Fed có thể chờ thêm trước khi hạ lãi suất, do tăng trưởng kinh tế ổn định và thị trường việc làm mạnh. Theo bà, cả nền kinh tế và chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng.

Một số quan chức Fed, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell, cảnh báo cần kiên nhẫn trong việc hạ lãi suất sau khi lạm phát vượt dự báo và số liệu việc làm mạnh. Một số người cho rằng lộ trình lạm phát quay về mức 2% sẽ "mấp mô".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm