Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh.
Theo đó, Nhà đầu tư dự án là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP. Quy mô sử dụng đất của dự án là 495,17ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.350 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 352,5 tỷ đồng
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (ngày 1/3/2024).
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư phân kỳ đầu tư dự án theo các giai đoạn đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Tây Ninh tại Quyết định số 326/QĐ-TTg và các quyết định điều chỉnh (nếu có); đồng thời đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và tiến độ thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Hiệp Thạnh, trong đó giai đoạn sau được thực hiện sau khi giai đoạn trước đã được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ, đạt tỷ lệ lấp đầy theo quy định và khả năng thu hút đầu tư cho giai đoạn sau.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm về việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP sử dụng vốn, huy động vốn để đầu tư vào dự án; bảo đảm hiệu quả đầu tư, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong quá trình đầu tư dự án.
UBND tỉnh Tây Ninh kiểm tra, xác định nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho công nhân trồng cây cao su bị mất việc làm.
Trước đó, cũng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tại kỳ họp thứ 8 của HĐND TP.HCM khóa X, UBND TP.HCM đã trình lên Hội đồng về nhu cầu kinh phí và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tp.HCM - Mộc Bài, giai đoạn 1.
Theo đề xuất của UBND TP.HCM, giai đoạn 1 của dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài yêu cầu mức kinh phí khoảng 16.729 tỉ đồng. Nguồn vốn huy động theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ ngân sách TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Dự kiến, ngân sách TP.HCM tham gia 5.936 tỉ đồng. Dự kiến thời gian hoàn vốn là 18 năm 1 tháng.
Dự án cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua Tp.HCM khoảng 23,7km và đoạn qua tỉnh Tây Ninh khoảng 26,3km. Dự án bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi đến tuyến song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối nối vào quốc lộ 22.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 thực hiện đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo hợp đồng BOT với có tổng mức đầu tư 9.296 tỉ đồng.
Dự án thành phần 2 là bồi thường, hỗ trợ tái định cư đoạn qua TP.HCM với tổng kinh phí là 5.901 tỉ đồng do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 là thực hiện bồi thường hỗ trợ, tái định cư trên địa phận tỉnh Tây Ninh, với tổng kinh phí là 1.532 tỉ đồng, do UBND tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là công trình hạ tầng quan trọng được mong chờ đầu tư xây dựng để thúc đẩy giao thương giữa TP.HCM với Tây Ninh nơi có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.