Theo ông Ấn, hiện quy mô tổng tài sản Agribank trên 2 triệu tỉ đồng, huy động vốn đạt 1,8 triệu tỉ đồng và dư nợ cho vay 1,550 triệu tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đạt gần 65%.
Nhận định năm 2024 tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thậm chí có dấu hiệu suy thoái, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, ông Ấn cho hay dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng.
Nhiều nỗ lực khơi thông dòng vốn
Cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hóa chưa được cải thiện, nên vốn đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng.
Chủ tịch Agribank dẫn chứng hiện nay đang huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng, dù từ đầu năm 2024 Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường.
Thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank giảm gần 1.200 tỉ đồng so với cùng kỳ 2023.
Là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam, ông Phan Đức Tú - chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho hay huy động vốn đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,5%.
Tuy nhiên, ông kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các quy định triển khai Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi hiệu lực từ 1-7-2024.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước, gồm các ngân hàng thương mại phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại.
Nhiều kiến nghị nâng cao năng lực vốn
Ông Nguyễn Năng Toàn - chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - cho biết ngành khai thác cảng biển và dịch vụ logistics của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực.
Việc này ảnh hưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước giảm 6% so với năm 2022, tương ứng với sự sụt giảm 2,8% đối với sản lượng container xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển cả nước.
Năm 2024 cũng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình cạnh tranh khai thác cảng và dịch vụ logistics ngày càng gay gắt.
Ông Toàn kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy tính tự chủ, dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo, điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước theo hướng cho phép một số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhiều năm liền được chủ động giữ lại phần lợi nhuận sau thuế, sau khi đã trích lập các quỹ.
Đầu tư, khai thác các cảng biển nước sâu có vị trí chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh, trọng điểm về kinh tế nhằm tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt mở đường. Xem xét cấp vốn trung và dài hạn phát triển các dự án trọng điểm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết đang hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Ông cũng khuyến nghị cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế; tạo thế và lực cũng như cơ sở xây dựng định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược giai đoạn tiếp theo.