Yêu nhau một năm rưỡi, McLaren, có tên giả là Max Tavita đã thuyết phục Tracy Hall (ở Sydney) thành lập một quỹ hưu trí tự quản và chuyển hơn 300.000 USD tiền tiết kiệm cả đời vào đó.
Cô cũng lập một tài khoản giao dịch với Bell Potter Securities (công ty môi giới chứng khoán ở Australia) mà cô tưởng là đứng tên mình. Nhưng hóa ra, toàn bộ số tiền thực sự đã được chuyển vào một tài khoản do McLaren nắm giữ.
Phải đến năm 2017, tình cờ xem đoạn video ghi lại cảnh McLaren bị bắt trên mạng, Hall mới nhận ra bạn trai là kẻ lừa đảo. "Tôi không thể tin được. Tôi tưởng mình nhầm lẫn", cô nói. Từng xem nhiều tin tức tương tự trên mạng, cô nghĩ mình sẽ không bao giờ bị lừa.
"Thế mà tôi đánh mất số tiền tiết kiệm cả đời vào người giả vờ yêu mình nhưng đồng thời lại hủy hoại mình", người phụ nữ đơn thân bức xúc.
Hamish McLaren (53 tuổi) được gọi bằng biệt danh "siêu lừa" hay "kẻ lừa đảo tồi tệ nhất Australia". Anh ta thường giả danh một thương nhân giàu có, một người tốt nghiệp hai trường Havard và Massachusets, đang quản lý quỹ từ thiện. Trong suốt 10 năm, McLaren đã lừa gạt 15 nạn nhân, chiếm đoạt khoảng 5,2 triệu USD, cho đến khi bị bắt vào năm 2017.
Anh ta dùng tiền lừa đảo để sống xa hoa, thường xuyên đến các điểm nghỉ dưỡng hàng đầu và lái những chiếc xe tốc độ cao, trong đó có một chiếc Aston Martin.
Năm 2019, McLaren bị kết án 16 năm tù, sau đó được giảm xuống còn 12 năm.
Từ đó đến nay, Hall vẫn chưa nhận lại được số tiền đã mất. Cô muốn chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo những người khác và kêu gọi họ thận trọng vì chúng ta sẽ phải đối mặt với những chiêu trò lừa đảo hàng ngày.
"Không có ngày nào trôi qua mà bạn không gặp phải một số loại lừa đảo. Tôi nghĩ chúng ta phải thực sự cảnh giác, cũng phải quan tâm đến những người thân yêu", cô nói.
Hall chia sẻ câu chuyện của mình trong cuốn sách The Last Victim (Nạn nhân cuối cùng), xuất bản tháng 5 năm nay.
(Theo news.com.au/dailymail)