CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cho biết trong tháng 2, doanh thu tiêu thụ đạt 347 tỷ đồng, tgiảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng gần 5% so với tháng 2/2022.
Còn nếu so với tháng 1/2024 trước đó, con số này giảm gần 34%, thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Cần lưu ý là Tết Nguyên đán năm 2023 đến muộn hơn so với năm 2022 (ngày 1/2) và 2023 (22/1) nên doanh số tiêu thụ cũng thấp hơn.
Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2024, doanh số tiêu thụ của TNG đạt đạt 871 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tạp chí Công Thương thuộc Bộ Công Thương, hiện đơn hàng của TNG đã kín hết nửa đầu năm nay nhờ loạt đối tác lớn như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas… đã bán hết hàng tồn kho và đang gia tăng đặt hàng trở lại.
Ngoài ra, hãng Decathlon đang tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ Thế vận hội Olympic Mùa Hè diễn ra trong tháng 6/2024 tại Pháp. TNG hiện là nhà sản xuất lớn nhất cho ngành hàng quần áo dệt thoi trên toàn cầu của Decathlon, với doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu EUR.
Nhằm đáp ứng tình hình đơn hàng tăng cao, bắt đầu từ tháng 3 này, TNG sẽ triển khai thêm 45 chuyền may và tuyển thêm 3.000 công nhân, qua đó tăng thêm 15% tổng công suất và 20% tổng số công nhân.
Đồng thời, TNG sẽ dịch chuyển hai nhà máy may Việt Đức và Việt Thái vào trong Khu công nghiệp Sơn Cẩm nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ, qua đó cải thiện hiệu suất tổng thể. Quỹ đất hiện nay của hai nhà máy này sẽ được tận dùng làm nhà xưởng, nhà kho cho thuê, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất công nghiệp sang đất ở nhằm tận dụng vị trí ở trung tâm TP Thái Nguyên.
Theo số liệu công bố ngày 22/2 của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2/2024 (1/2 - 15/2) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 19,2 tỷ USD, giảm 35% so với kết quả 26 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Với mức giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, dệt may đã không còn là mặt hàng có kim ngạch tỷ USD khi chỉ mang về 960 triệu USD. Nguyên nhân là do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn hơn cùng kỳ.
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, có những chỉ dấu sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, nhất là tại những thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của ngành. Trong đó, Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75% là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại.
Còn theo SSI Research, biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sẽ dần cải thiện lên mức 14 - 15% trong năm 2024 so với mức 11 - 14% của năm ngoái do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.
Tuy nhiên, sự kiện căng thẳng Biển Đỏ có thể gây hiệu ứng gợn sóng đến hoạt động kinh doanh quý I của các doanh nghiệp xuất khẩu.