Theo nghị quyết mới đây, Bến xe miền Tây sẽ tạm chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 160%, tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận 16.000 đồng. WCS có khoảng 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, công ty sẽ chi 40 tỷ đồng cho việc chia cổ tức năm 2023.
Trước mắt vào ngày 28/3, WCS sẽ thanh toán tạm ứng với tỷ lệ 144%, tức mỗi cổ phiếu sẽ nhận 14.400 đồng. Hiện tại, Bến xe miền Tây có ba cổ đông lớn là Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) nắm 51%, quỹ đầu tư ngoại America LLC nắm 23,08% và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10,02% vốn. Đợt này, cả ba sẽ lần lượt nhận tạm ứng khoảng 18,4 - 8,3 và 3,6 tỷ đồng.
Tỷ lệ 160% cao hơn nhiều kế hoạch đặt ra. Trước đó, Hội đồng quản trị chốt chia cổ tức năm 2023 sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh thực tế và không thấp hơn 20%. Trong ba năm trước đó, WCS cũng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ tương tự và sau đó chốt ở mức 20% do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Bến xe miền Tây chia cổ tức đậm sau một năm tăng trưởng tốt. WCS ghi nhận hơn 140 tỷ đồng doanh thu, tăng 49% và là mức kỷ lục từ khi công bố thông tin năm 2008. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 75% lên khoảng 66,5 tỷ đồng, mức cao nhất bốn năm qua. Công ty vượt 17% chỉ tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận cao hơn gần một nửa kế hoạch cả năm.
Trừ những năm dịch bệnh, WCS được biết đến là một trong những đơn vị chia cổ tức "khủng" và ổn định nhất thị trường. Trong đó, năm 2018, doanh nghiệp này đưa ra tỷ lệ 400%, tương đương 40.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Đến năm 2019, con số trên lên mức cao ngất ngưởng 516%, tức 51.600 đồng.
Cổ phiếu của Bến xe miền Tây thuộc top đắt nhất thị trường. Giá chốt phiên cuối tuần qua là 202.100 đồng một đơn vị, tăng 9% so với hồi đầu năm. Thị giá này đang ở mức cao nhất trong khoảng gần ba năm qua. Trong đợt thị trường điều chỉnh vào tháng 10/2023, thị giá cổ phiếu này sụt giảm nhẹ nhưng vẫn giao dịch quanh 170.000 đồng, thanh khoản thấp.