Phong cách sống

Bí quyết để 1 chàng trai gia cảnh bình thường độc lập tài chính, “nghỉ hưu sớm” vào những năm 30 tuổi

Giải một bài toán về tài chính cá nhân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có những người, khi tài chính của họ dư giả, họ chọn cách tiêu tiền kiểu "chúng ta chỉ sống 1 lần trên đời, suy nghĩ lắm chi ai ơi?". Để rồi dù có thu nhập cả mấy chục triệu/ tháng, cũng không dành dụm được gì. Nhưng lại có những trường hợp, dù khởi đầu với con số âm, còn đèo thêm cả đống nợ, nhưng với suy nghĩ đúng đắn về tài chính cá nhân, họ lại tích góp được khối tài sản đáng mơ ước khi còn trẻ. Chính bản thân Kim Luân (31 tuổi, Sài Gòn), một anh chàng tự nhận mình hết sức bình thường, không gia cảnh, không xuất sắc gì cho cam, nhưng lại đạt được độc lập tài chính vào những năm 30 tuổi!

Tại sao cần đặt ra mục tiêu độc lập tài chính

Bản thân mình từng là một du học sinh, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Luật tại Hà Lan. Gia đình mình không thuộc dạng giàu có gì, chỉ đủ sống ở mức kha khá, thế nên lựa chọn đi du học nước ngoài là khi mình nhận được gói học bổng toàn phần của một trường đại học bên Hà Lan.

Nhưng cuộc sống của một du học sinh có tài chính không vững thực sự rất khó khăn. Mình vẫn còn nhớ như in những tờ tiền lẻ dành dụm để tiêu vặt hàng tháng, đến những khoản tiền lớn hơn mình kiếm được từ những công việc vừa học vừa làm gia sư, phụ làm dự án với các giáo sư,... Cảm giác vừa học vừa tự bươn chải kiếm từng đồng, khiến mình cảm thấy thực sự bất an với tài chính của bản thân. Có những tháng, tổng số tiền mình kiếm được, cộng với trợ cấp của học bổng, sau khi trừ đi tiền thuê nhà, điện nước, wifi,... mình chỉ còn dư lại vài chục đồng cho sinh hoạt phí cả tháng sắp tới. Thời điểm này, mình mới tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: "Tiền cứ đến rồi đi một cách không được kiểm soát như vậy, liệu có ổn không?" Và câu trả lời là "Không!".

Bí quyết để 1 chàng trai gia cảnh bình thường độc lập tài chính, “nghỉ hưu sớm” vào những năm 30 tuổi - Ảnh 1.

Thời điểm đó, vào khoảng cuối năm 2017, có một trào lưu về độc lập tài chính được mọi người lan truyền rất rộng rãi, và chính bản thân mình cũng thấy nó thật hấp dẫn, với tựa đề: "Làm thế nào để độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm?".

Khái niệm về độc lập tài chính với mình không còn mới lạ gì, nhưng khái niệm về nghỉ hưu sớm thì... mình còn chưa bao giờ nghĩ đến nó. Và bằng sự tò mò của một đứa đang tìm kiếm câu trả lời cho bài toán tài chính cá nhân, mình bắt đầu tìm hiểu về trào lưu này qua mọi thứ có thể kiếm được. Và cuối cùng, nó cũng xuất hiện với một cái tên: Trào lưu FIRE ?

Vậy FIRE là gì? FIRE nôm na có thể hiểu, đó là một lối sống hướng đến mục tiêu duy nhất là: làm chủ hoàn toàn tài chính cá nhân. Để đạt được mục tiêu này, mình phải bắt đầu ngay lập tức, với con số tiết kiệm lên tới 50-70% tổng thu nhập, rồi đem số tiền này đi đầu tư, cho đến khi đạt được 1 khoản tiết kiệm gấp 25 lần số tiền mình tiêu trong 1 năm. Và rồi sau đó mình có thể không cần làm việc, rút ra 4% tiền lãi kép đầu tư để sống, tiền không hề vơi đi mà vẫn tiếp tục sinh lãi qua hàng năm.

Ví dụ: Trong 1 năm, cộng dồn tất cả những khoản chi tiêu lại, mình tiêu hết khoảng gần 500 triệu. Thì mình phải kiếm được khoảng 25 x 500 triệu = 12,5 tỷ đồng. Khi đạt được con số này, có thể nói rằng mình đã đạt được mục tiêu làm chủ tài chính cá nhân.

Sau khi đạt được con số này, mình sẽ làm gì? Đây chính là phần tiếp theo của FIRE. Sau khi đạt được độc lập tài chính, mình có thể lựa chọn nghỉ hưu, hoặc theo đuổi đam mê mà không cần phụ thuộc vào ai, phụ thuộc vào đồng lương người khác trả cho mình.

Một bức tranh hoàn hảo cho độc lập tài chính, nhưng với một đứa du học sinh còn phải dành dụm từng đồng để sống như mình, lại còn mang trên mình 1 đống nợ, làm cách nào mình đạt được FIRE ở độ tuổi 30, hay 40?

Làm cách nào để đạt được FIRE trước năm 30 tuổi?

Câu trả lời ngắn nhất và chính xác nhất mình có thể đưa ra: Đó chính là chi tiêu tiết kiệm, làm việc thông minh và đầu tư hiệu quả!

Bí quyết để 1 chàng trai gia cảnh bình thường độc lập tài chính, “nghỉ hưu sớm” vào những năm 30 tuổi - Ảnh 2.

Bước 1: Trả hết số nợ bạn đang có

Mình là người cực kỳ sợ nợ nần, vì những khoản nợ đã ám ảnh mình từ thời còn sinh viên. Khoản học bổng mình nhận được chỉ duy trì trong năm đầu tiên, các năm sau đó, tài chính của mình phụ thuộc vào các chính sách vay học phí của nhà trường. Và mình tin rằng, bất cứ ai mang trong mình nợ nần, cũng sẽ có chung 1 cảm giác, đó là: sợ hãi. Sợ rằng bản thân có khả năng trả hết nợ không, hay nó sẽ biến đó thành khoản nợ xấu theo mình suốt cuộc đời? Vậy nên đừng nợ! Lời khuyên này sẽ thật nực cười với những người kinh doanh. Nhưng với những cá nhân không tham gia vào hoạt động kinh doanh như mình, thì không nên nợ nần.

Và hơn hết, việc nợ nần kéo dài, sẽ khiến cho khoản nợ đó ăn vào con số 4% mà bạn rút ra sau khi đạt được độc lập tài chính. Việc này sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu như bạn muốn sử dụng 4% lãi kép này để chi trả cho cuộc sống, khi không làm việc nữa và lựa chọn nghỉ hưu sớm.

Bước 2: Tính toán con số FI của mình

Con số FI (Financial Independence - Độc lập tài chính) sẽ được tính theo công thức:

FI = Số tiền chi tiêu hàng năm x 25

Để có thể tính chính xác con số FI của mình, bạn cần phải tính ra được hàng tháng mình tiêu hết bao nhiêu tiền? Từ đó, ước lượng được số tiền chi tiêu trong 1 năm. Sau khi tính toán được FI, bạn sẽ dựa trên tổng thu nhập hàng năm của mình, tính ra được số năm để bạn đạt được FI sớm nhất.

Bước 3: Tăng thu, giảm chi

Tăng thu và giảm chi là 2 điều luôn luôn song hành cùng bạn, kể cả trước, trong và sau khi đạt được độc lập tài chính.

Giảm chi

Đây có lẽ là bước khó thực hiện nhất trong FIRE, bởi vì bạn cần tiết kiệm 50-70% số tiền mình kiếm được hàng tháng, và dùng số tiền này để đầu tư, khiến tiền đẻ ra tiền liên tục trong nhiều năm, một cách ổn định.

Có rất nhiều người lựa chọn cắt giảm gần như tối đa những chi phí không cần thiết trong cuộc sống để đạt được FIRE nhanh nhất.

Lấy ví dụ như mình, một số chi phí được mình cắt giảm tối đa: Mình lựa chọn ở kí túc xá thay vì thuê nhà khi còn là sinh viên, lựa chọn đọc sách thư viện hoặc các bản ebook thay vì mua sách giấy, lối sống tối giản luôn là ưu tiên hàng đầu,... Khi đi làm, mình chọn khu ngoại thành để ở, hạn chế những cuộc xã giao không cần thiết, và vẫn duy trì một số lối sống như hồi sinh viên.

Tăng thu

Nhiều người lựa chọn làm việc lên tới 15 tiếng/ ngày khi còn sức trẻ, hoặc lựa chọn làm 2-3 công việc cùng 1 lúc để gia tăng nguồn thu tối đa. Hơn nữa, họ không ngừng phát triển bản thân để gia tăng mức lương, nhận được nhiều cơ hội kiếm tiền hơn nữa. Điều này rất quan trọng! Đây là cách duy nhất để những người bình thường, không sinh ra đã ngậm thìa vàng, không trúng số, không tài giỏi... đạt được sự tăng trưởng vượt bậc về tài chính.

Bí quyết để 1 chàng trai gia cảnh bình thường độc lập tài chính, “nghỉ hưu sớm” vào những năm 30 tuổi - Ảnh 3.

Bước 4: Đầu tư nhiều nhất có thể

Tiết kiệm cũng chỉ dừng lại ở 1 mức độ nào đó thôi. Bạn không thể độc lập tài chính với việc tiết kiệm. Vì thế, đầu tư là bước không thể thiếu để tiến tới FIRE. Hiện nay, khi thị trường ngày càng mở, cơ hội đầu tư của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, đối với FIRE, bạn chỉ nên chọn các danh mục đầu tư dài hạn, đầu tư hàng chục năm cho cả thời kỳ nghỉ hưu nữa, bởi bản chất của FIRE chính là sự ổn định.

Ngoài ra, một số kênh đầu tư bạn có thể tham khảo thêm như: đầu tư bất động sản, đầu tư góp vốn kinh doanh, kinh doanh online, hoặc sử dụng các kênh thông tin số để đầu tư kiếm tiền như: xây dựng nội dung, blog, website,...

Bước 5: Tìm cho mình 1 đam mê và sẵn sàng nghỉ hưu

Hãy nghỉ hưu với 1 tư tưởng hiện đại! Nghỉ hưu sớm khi đạt được độc lập tài chính, là việc bạn được tự do lựa chọn thời điểm mình ngừng làm việc. Với nhiều người, sau khi đạt được FIRE, họ vẫn duy trì công việc hiện tại, thậm chí là làm nhiều hơn, chỉ bởi vì họ cảm thấy thích, cảm thấy công việc vẫn mang lại hạnh phúc cho mình. Điều khác biệt duy nhất, là khi này họ sẽ không cảm thấy áp lực vì đồng tiền nữa, tư tưởng trở nên thoải mái hơn, có nhiều năng lượng để làm việc hơn.

Để FIRE càng trở nên hấp dẫn, bạn hãy tìm kiếm cho mình 1 sở thích, hoặc 1 đam mê riêng để theo đuổi, tránh trường hợp cảm thấy chán nản, mất phương hướng khi đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm.

Ở Việt Nam thì thực hiện FIRE như thế nào?

Câu chuyện tài chính cá nhân ở đây không dành cho 1 đất nước cụ thể nào cả, mà là dành cho tất cả mọi người, dành cho những ai thực sự muốn làm chủ tài chính của mình. Mặc dù, ở Việt Nam, trào lưu FIRE này có lẽ chưa thực sự gần gũi như "lối sống tối giản", hay "tự do tài chính",... nhưng hiện nay, đã có rất nhiều người ứng dụng những quy tắc này, dù cho họ chưa từng nghe về FIRE.

Bí quyết để 1 chàng trai gia cảnh bình thường độc lập tài chính, “nghỉ hưu sớm” vào những năm 30 tuổi - Ảnh 4.

Nhiều người cũng thắc mắc rằng thu nhập bao nhiêu thì có thể áp dụng FIRE? Ở Việt Nam có thu nhập "thấp" hơn nhiều so với thế giới, thì bao giờ mới có thể FIRE? Câu trả lời đó chính là, FIRE là cơ hội dành cho tất cả mọi người, dành cho tất cả mức thu nhập hiện tại, dù là con số 0. Điều quan trọng nhất của FIRE nằm ở việc "Bạn có đủ bản lĩnh hay không?"

Cùng chuyên mục

Đọc thêm