Những ngày qua, giá vàng trong nước lẫn thế giới đang chịu những sức em rất lớn, khiến giá vàng liên tục đi xuống. Ở thị trường thế giới, mấy ngày qua, giá vàng luôn lình xình quanh mức giá từ 1.820 USD - 1850 USD/ounce, có thời điểm, giá vàng thế giới giảm về 1.808 USD/ounce (14/6). Giá vàng thế giới đang chịu áp lực bởi sự mạnh lên của đồng USD và áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lên mức 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này, thay vì tăng 0,5 điểm phần trăm như dự báo trước đó.
Diễn biến giá vàng thế giới - Nguồn: kitco.com.
Trước những sức ép lớn này, vàng đã không phát huy được vai trò là "hầm trú ẩn" an toàn cho nhà đầu tư, dẫn đến bị bán tháo trên diện rộng, khiến cho thị trường kim loại quý thế giới phải trải qua những phiên giao dịch tiêu cực nhất kể từ đầu năm đến nay, khi giá vàng giao ngay có lúc giảm gần 3% chỉ trong một ngày.
Theo Giám đốc một công ty vàng, kim loại quý hiện không có động lực nào để thoát khỏi mức giá hiện tại nên chỉ đi trong vùng giá 1.830 - 1.900 USD/ounce đã kéo dài suốt thời gian qua. Ngay cả những thông tin có lợi cho giá vàng như lạm phát tăng, hay tình hình căng thẳng tại Nga - Ukraine … cũng không thể giúp kim loại quý này tăng mạnh như lịch sử đã từng xảy ra.
Áp lực giảm giá của vàng thế giới trong những ngày qua phần nào đó cũng đã khiến giá vàng trong nước bị ảnh hưởng theo và liên tục giảm sâu. Cụ thể, trong 2 phiên giao dịch ngày 13 và 14/6, giá vàng miếng SJC trong nước đã giảm mạnh, với mức giảm 1.250.000 đồng/lượng, từ mức giá 69.670.000 đồng/lượng xuống còn 68.420.000 đồng/lượng. Nếu tính cả chênh lệch giá mua/bán SJC đưa ra, người mua vàng miếng từ cuối tuần trước đến nay đã chịu khoản lỗ gần 2 triệu đồng/lượng, tương đương gần 3% giá trị đầu tư.
Trong thời gian qua, giá vàng miếng SJC trong nước mặc dù có cùng xu hướng với giá vàng thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh luôn không theo kịp với giá của thế giới. Khi giá vàng thế giới tăng thì giá trong nước được điều chỉnh tăng lên rất nhanh, nhưng khi giá thế giới giảm thì giá trong nước lại được điều chỉnh giảm rất chậm. Thậm chí, có những phiên giá vàng trong nước còn tăng ngược chiều với giá thế giới. Điều này khiến chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước có thời điểm cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch biên độ giữa mua và bán cũng được kéo dãn gần 2 triệu đồng/lượng, qua đó, đẩy rủi ro về phía người mua vàng.
Thị trường vàng trong nước mấy ngày qua cũng chịu tác động bởi những thông tin từ Nghị trường Quốc hội, khi nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại và chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng liên quan đến vấn đề độc quyền vàng miếng SJC, khiến thị trường vàng trong nước diễn biến bất thường khi chênh lệch giá quá cao so với giá thế giới.
Người dân đang phải mua vàng với giá cao hơn rất nhiều so với giá thế giới - Ảnh: Đình Đại.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, chênh lệch quá cao giá vàng tại Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng; rồi chênh lệch quá khắc nghiệt giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hoặc với giá vàng miếng của các thương hiệu khác, gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.
"Thống đốc cho biết trách nhiệm của NHNN đối với tình trạng nêu trên. NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động bất thường hay chưa? Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào thì NHNN sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 để có thể xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua", đại biểu Thủy chất vấn.
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 do NHNN tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sau 10 năm khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời để áp ứng nhu cầu của nền kinh tế, thì không chỉ NHNN mà các báo cáo, đánh giá đều cho thấy câu chuyện quản lý vàng đã tạo được sự ổn định trong quản lý kinh tế vĩ mô. Từ đó kiểm soát lạm phát, kiểm soát được thị trường vàng , không tác động đến mặt bằng giá cả và các chỉ tiêu khác.
Tuy nhiên, ông Tú cũng nhìn nhận, sau 10 năm, có những tác động của tình hình kinh tế thế giới, tác động của vàng thế giới… với Việt Nam. Vì vậy, NHNN đã và đang cử các đoàn nghiên cứu, vừa đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh vàng hiện nay, vừa đánh giá câu chuyện vàng bạc thực tế trong nền kinh tế, nhu cầu thực của người dân là thế nào; vừa đánh giá xem câu chuyện giữa các thương hiệu vàng hiện nay ra sao.
"Không phải khi Quốc hội đặt vấn đề NHNN mới nghiên cứu mà việc này các lực lượng chức năng đã nghiên cứu từ hơn một năm nay. Nghiên cứu một cách thấu đáo và cũng đặt ra lộ trình xem xét để sửa đổi Nghị định 24/2012 trong thời gian tới sao cho phù hợp, để đạt mục tiêu lớn và vẫn bảo đảm nhu cầu thị trường đối với vàng miếng cũng như vàng trang sức", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin.