Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá sự kiện này sẽ càng thúc đẩy lạm phát tăng cao trên toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực châu Âu do chuỗi cung ứng có khả năng bị gián đoạn và giá dầu tăng cao. Hiện tại, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục khi mức này ở châu Âu đạt 5%, Mỹ là hơn 7%, do đó việc lạm phát tiếp tục tăng cao sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Trong tuần qua, nhiều thị trường chứng khoán thế giới cũng biến động mạnh đặc biệt chỉ số chứng khoán MOEX (Nga) có thời điểm giảm tới 45% do lo ngại diễn biến căng thẳng gia tăng; hay VN-Index trong phiên 24/2 đã đóng cửa giảm gần 1,2%.
Theo Agriseco Research, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ bởi các sự kiện khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Khoảng thời gian 1-3 tháng sau, mức độ ảnh hưởng không có ý nghĩa về mặt thống kê. Giai đoạn từ 3 đến 6 tháng tiếp đó, thị trường giảm tương đối so với ngày diễn ra sự kiện, có khả năng do các yếu tố leo thang và Việt Nam có độ trễ nếu xét về ảnh hưởng kinh tế. Mặc dù vậy, khoảng 1 năm từ khi sự kiện diễn ra, chỉ số chứng khoán khả năng cao sẽ tăng vượt lại mức giá cũ, cho thấy trở lại nhịp phát triển bình thường và xoá đi các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài.
Nhìn lại sự kiện có bối cảnh tương tự năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, giai đoạn đó thị trường chứng khoán trong 1-2 tháng đầu tiên cơ bản không thay đổi nhiều, tuy nhiên các sự kiện chính trị leo thang sau đó đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí. Một năm từ khi sự kiện xảy ra, VN-Index đã quay trở lại mức đỉnh cũ, với mức tăng 1,58%.
Về chiến lược đầu tư, trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng trước các thông tin tác động tiêu cực tới thị trường, mới đây nhất là căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Theo đó, nhà đầu tư nên quản trị an toàn danh mục bằng cách giảm tỷ trọng các mã cổ phiếu đã tăng nóng và thuộc nhóm ngành gặp bất lợi.
Với nhóm hưởng lợi, Agriseco Research nêu tên cổ phiếu dầu khí gồm PVD, PVS khi giá dầu Brent đã liên tục tăng mạnh và vượt 100$/thùng lần đầu tiên sau 7 năm, giá khí tại khu vực châu Âu cũng đã tăng 6% trong phiên ngày hôm nay.
Agriseco Research cho rằng diễn biến giá dầu, khí hôm nay và trong một vài ngày tới sẽ phụ thuộc lớn vào mức độ tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine. Vì vậy, nếu nhà đầu tư đã giải ngân cổ phiếu trong các phiên trước thì tiếp tục nắm giữ cổ phiếu dầu khí và theo dõi sát diễn biến địa chính trị để đưa ra những hành động phù hợp.
Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang sẽ làm ảnh hưởng đến giá lương thực toàn cầu khi Nga và Ukraine lần lượt là các quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ nhất và thứ tư thế giới, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao. Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể hưởng lợi khi giá gạo cũng sẽ tăng theo giá lương thực thế giới, cùng với đó nhu cầu xuất khẩu sẽ tăng lên để trở thành 1 sản phẩm thay thế cho lúa mỳ hay ngô. Agriseco khuyến nghị tăng tỷ trọng nhóm ngành lương thực với cổ phiếu tiềm năng là LTG.
Đồng thời, nhóm cổ phiếu hóa chất, phân bón cũng sẽ hưởng lợi lớn khi giá nhóm hàng tăng cao. Hiện, các cổ phiếu phân bón cũng đã tăng điểm tích cực phản ánh phần nào kỳ vọng đó. Giá phân bón trên thị trường thế giới và Việt Nam vẫn đang chưa có sự tăng giá tương ứng, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào như dầu khí hay than đã tăng mạnh. Điều này cho thấy giá phân bón trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh tăng giá, tạo động lực cho nhóm ngành phân bón trên thị trường. Qua đó, Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến giá phân bón thế giới cũng như Việt Nam và có thể gia tăng tỷ trọng với cổ phiếu tiềm năng là DPM, DCM, DGC.
Ngược lại, Agriseco đánh giá nhóm ngành cổ phiếu sẽ chịu bất lợi từ sự kiện quốc tế trên là nhóm ngành chăn nuôi - thức ăn chăn nuôi với luận điểm ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ thế giới và giá lương thực tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Mặt khác, các nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, đã tăng nóng cũng được khuyến nghị kém khả quan. Thông thường trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, các nhóm cổ phiếu này sẽ dễ chịu ảnh hưởng của thị trường khi hệ số đo rủi ro trong tương quan với toàn bộ thị trường các nhóm ngành khá cao.