Đi "săn" đất nông nghiệp, nhà đầu tư nào cũng muốn thành F0, hoặc ít ra là F1. Với những NĐT lâu năm họ sẽ tìm kiếm những mảnh đất dân trực tiếp bán ra thay vì mua "qua tay" từ các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, không ai cũng mua được đất trực tiếp từ dân trong bối cảnh đất đai ngày càng tăng giá, những người dân có đất cũng rất "tỉnh" để đu sóng thị trường. Thay vì thấy nhà đầu tư ồ ạt về mua đất, nếu trước đây nhiều người dân sẵn sàng bán ra với mọi giá thì hiện nay họ cũng là những NĐT, tăng giá đất theo "sóng" thị trường.
"Dân giờ khôn lắm em, có chịu bán đất đâu. Thấy đất tăng giá một là giữ lại hai là bán giá cao. Thậm chi, có những hộ dân có đất đẹp, nhà đầu tư hỏi nhiều đòi giá cao hơn so với giá thị trường mới chịu bán. Cho nên để mua được đất nông nghiệp của dân bản địa thời điểm này không dễ…", anh H, một nhà đầu tư lâu năm tại Tp.HCM chia sẻ.
Được biết, sau thời gian đầu tư đất nền phân lô tại Tp.HCM, khoảng hơn một năm nay anh H tiến về các tỉnh lân cận Tp.HCM để mua đất nông nghiệp diện tích lớn, khoảng vài ngàn m2 đến vài héc-ta rồi phân lô hoặc bán nguyên mảnh. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ mà anh H và nhóm bạn khai thác thời gian qua. Thời điểm đầu, anh H mua được những mảnh đất nông nghiệp trực tiếp từ dân, sau đó bán ra cho NĐT khác. Đây cũng là những khoản lời lớn vì giá mua vào từ dân còn khá mềm trong khi theo "sóng" thị trường thì anh H sẽ bán được giá cao. Tuy vậy, đến thời điểm này, phần vì nguồn hàng trong dân bán ra ít, phần vì người dân họ thấy giá cao nên cũng găm lại để chờ bán theo giá thị trường. Vì thế, theo anh H để tìm mua được nguồn hàng F0 rất khó. Đa phần là mua đi bán lại từ các NĐT khác trên thị trường.
Ảnh minh hoạ
Thời gian qua, nhất là khi các cơn sốt đi qua, đất nông nghiệp ở các vùng tỉnh lân cận Sài Gòn hoặc các vùng quê tăng giá mạnh. Nhiều mảnh đất của dân bản địa được mua bán liên tục, qua tay nhiều NĐT và giá tiếp tục đà tăng. Trong số đó, không ít trường hợp người dân bán mảnh đất của mình cho NĐT với giá mềm, sau nhiều đợt giá tăng, chính họ lại mua lại mảnh đất của mình với giá cao để canh tác. Những người dân thông thái, sau khi thấy mặt bằng giá tăng cao, thấy nhiều nhà đầu tư đổ về mua cũng có động thái "găm hàng" và "hét giá". Thậm chí, những người dân chưa từng buôn bán đất đai, cũng trở thành nhưng NĐT khu vực chuyên gia săn đất. Họ có thể đi tìm mua đất của những người hàng xóm và bán chênh sau đó hoặc "săn hàng" thay nhà đầu tư ở các khu vực khác đổ về. Bên cạnh việc nắm được giá cả, những người này còn có động thái "làm thị trường" để giá tăng và liên tục mua vào – bán ra.
Thực tế, bên cạnh những người mua đất nông nghiệp để sản xuất thì hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư đang "săn lùng" đất nông nghiệp với hi vọng chuyển đổi thành đất thổ cư. Đối với người mua để sản xuất thì chỉ cần mua đất có sổ thì có thể yên tâm về mảnh đất này. Nhưng đối với nhà đầu tư thì ngoài vấn đề pháp lý ra, còn có nhiều vấn đề khác phải quan tâm.
Theo các chuyên gia, mặc dù đầu tư vào đất nông nghiệp được xem là "món hời" nhưng song song với đó là những rủi ro đi kèm rất lớn. Là cơ hội hay rủi ro tùy thuộc vào từng trường hợp nên không thể nào có một lời khuyên chung dành cho mọi người.
Nếu như đất nông nghiệp thuộc vào quy hoạch đất ở, có đầy đủ giấy tờ pháp lý, có cơ sở hạ tầng và tiện ích đầy đủ,... thì đó là mảnh đất "vàng" nhà đầu tư không nên bỏ lỡ. Và ngược lại, nếu đất không thuộc quy hoạch đất ở, pháp lý không chắc chắn, chưa được đầu tư về hạ tầng, quá xa các tiện ích sống,... thì không nên "rót tiền".