Bất động sản

Dựng rạp 'diễn trò' bán đất nền

Mạng xã hội Facebook hôm 21/2 xuất hiện clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh lãnh đạo và nhân viên một công ty bất động sản đang tranh nhau bán đất nền. Những lô đất liên tục được xướng tên đã có chủ giữa một bãi đất trống, gần đó xuất hiện hàng chục chiếc ôtô đang đậu khá hoành tráng.

Nhân viên của công ty bất động sản mặc vest cầm cặp da và sổ đỏ chạy đi chạy lại quanh khu lều bạt dựng ngoài trời để thông báo với người dẫn chương trình các nền đất đã chốt cọc (được khách mua đóng tiền đặt cọc). Trong tiếng nhạc inh ỏi, người dẫn chương trình dùng loa thông báo các lô đất đã có khách đặt cọc mua.

Buổi bán đất nền này đã diễn ra ngày 20/2 trên địa bàn tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đến ngày 21/2, clip bán đất này bắt đầu lan truyền trên cộng đồng mạng. Công ty dựng rạp tổ chức bán đất là Tập đoàn địa ốc Nam Khương, có trụ sở tại phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngay sau khi clip được đăng tải đã bị nghi vấn đây chỉ là cảnh diễn trò tạo sốt đất ảo.

Nhiều năm kinh doanh bất động sản ở Bình Phước, ông Phan cho biết, clip bán đất này là hình thức "diễn trò" chốt đơn hàng liên tục của môi giới nhằm "lùa gà", câu kéo khách ở thị trường vùng ven. Mỗi khi bắt đầu ra sản phẩm mới, các doanh nghiệp đều có những chiêu thức riêng để dẫn dụ khách hàng.

Diễn biến bán đất như bán rau được mô tả trong clip này tưởng chừng dễ nhận ra, tuy nhiên khi có mặt thực tế, khách hàng lại dễ dàng bị tác động tâm lý, rơi vào trạng thái sợ đất nền sớm bị bán hết. "Tuy nhiên, kết quả của các chiêu thức bán hàng này đa phần đều là ảo", ông Phan nói.

Cảnh môi giới bán đất tại Bình Phước. Ảnh cắt từ clip

Cảnh môi giới bán đất tại Bình Phước. Ảnh cắt từ clip

Đồng quan điểm này, ông Đoàn Bảo, chuyên gia tư vấn bất động sản địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước xác nhận, cảnh bán đất nền trong clip là đòn tâm lý nhắm vào các khách hàng lần đầu tiên bỡ ngỡ tìm mua đất. Với sổ đỏ trên tay là bảo chứng cho pháp lý nền đất đã hoàn chỉnh, nhân viên sale chạy chỗ liên tục tạo cảnh "cháy hàng" với màn chốt cọc ồ ạt của các lô đất kế cận, tạo tâm lý mua nhanh kẻo hết. Bầu không khí bán hàng diễn ra dồn dập, thôi thúc người có mặt tại buổi mở bán đưa ra quyết định mua hàng.

Ông Bảo phân tích, trên thực tế, các buổi bán bất động sản hợp pháp thường diễn ra ở các trung tâm hội nghị, doanh nghiệp bán hàng phải đăng ký với cơ quan quản lý, đã báo cáo địa phương trước khi diễn ra và được cấp phép tổ chức sự kiện. Buổi mở bán thường được tổ chức chuyên nghiệp từng khâu từ giới thiệu sản phẩm, tư vấn pháp lý, ký kết hợp đồng đến nộp tiền...

"Diễn biến trong clip bán đất này có các yếu tố phản cảm như dựng rạp bán ngoài trời, môi giới bán hàng chạy chỗ và phản ứng thần tốc như buôn hàng đa cấp, không khí bán hàng chộp giật như chợ rau chợ cá", ông Bảo nhận xét.

Trước nhiều ý kiến cho rằng công ty bất động sản tung clip bán đất nền có dấu hiệu diễn tuồng phản cảm, tạo cháy hàng ảo, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, chính quyền địa phương nơi đây đã vào cuộc xác minh vụ việc.

Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết, hiện nay trên địa bàn xã không có bất cứ dự án khu dân cư nào được cấp phép. Ngày 20/2, có khoảng 100 người tụ tập tại khu vực ấp Đồi Đá thuộc xã để mua bán đất. Sau khi nắm được thông tin, xã đã cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra 2 nội dung phòng chống dịch và giao dịch bất động sản.

Cơ quan chức năng có mời một số người liên quan về UBND xã làm việc và lập biên bản về hành vi tập trung đông người, thực hiện các giao dịch bất động sản nhưng không chứng minh được các giấy tờ pháp lý liên quan. Qua xác minh ban đầu, công ty bất động sản trên đã dựng rạp tổ chức bán đất trái phép.

Ông Lê Trường Sơn – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cũng cho biết, huyện đã yêu cầu ngành chức năng, địa phương liên quan vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm công ty kinh doanh bất động sản tự ý dựng rạp mua bán đất trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng giám đốc một công ty bất động sản có trụ sở tại TP Thủ Đức khuyến nghị, trong 3-5 năm gần đây, đất nền vùng ven là dòng sản phẩm nhạy cảm với các đợt sốt đất, rất cần sự giám sát của cơ quan quản lý địa phương để tránh nhiễu loạn thị trường.

Theo ông, so với các tỉnh vùng ven là thủ phủ đất nền như trục tam giác Bình Dương - Đồng Nai - Long An, Bình Phước chỉ được xem là vùng xa, ít động lực tăng trưởng, song đã từng diễn ra sốt đất ảo sau Tết năm ngoái. Vì vậy, đối với vụ việc dàn dựng cảnh bán đất, bên cạnh sự giám sát và xử lý sai phạm, chính quyền địa phương nên cảnh báo người dân thận trọng, cảnh giác với các chiêu trò bán đất chộp giật để tránh nguy cơ tiền mất tật mang.

Livestream bán bất động sản tại các trung tâm hội nghị đã từng xuất hiện nhiều trong năm 2021, nhưng phải tuân thủ các quy định: dự án đủ điều kiện huy động vốn, tổ chức bán hàng, sự kiện có đăng ký... Riêng hình thức tung clip dựng rạp bán đất ngoài trời trái phép như Công ty Nam Khương chỉ mới bị "bóc mẽ" gần đây.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm