Hiện tại, Bamboo Airways thông báo tuyển nhiều vị trí như phi công, tiếp viên, đại diện hãng, kỹ thuật... Trong đó, hãng này đưa ra mức thu nhập tối đa đến 13.300 USD cho cơ trưởng máy bay thân rộng B787, cơ phó là 8.000 USD. Với dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 190, thu nhập tối đa của cơ trưởng khoảng 10.450 USD, còn cơ phó hơn 6.300 USD.
Nếu được hưởng mức tối đa này, thu nhập phi công của hãng còn cao hơn mặt bằng chung trên thị trường thời điểm trước dịch. Bamboo Airways cũng thông báo tuyển tiếp viên 5 sao với thu nhập lên đến đến 1.500 USD, tiếp viên trưởng 3.000 USD. Từ cuối năm ngoái, hãng này liên tiếp tổ chức các đợt tuyển dụng tiếp viên hàng không.
Kế hoạch tuyển dụng mạnh mẽ này nhiều khả năng để bổ sung nguồn lực cho nhu cầu tăng đội bay lên trên 30 chiếc và mở rộng mạng bay Bamboo Airways ngay trong năm nay.
Tại một sự kiện mới đây, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, 30 tàu bay của hãng này hoạt động hết công suất trong giai đoạn Tết vừa qua, với cao điểm một ngày gần 200 chuyến. Thời gian tới, Bamboo Airways sẽ thực hiện các đường bay thương mại đến châu Âu và Mỹ trong quý II. Do vậy, ông Trọng cho biết, hãng đang xin phép cơ quan quản lý cho tăng đội bay, mong muốn mỗi năm được thêm 5-10 tàu bay.
Vietjet Air cũng đang thông báo tuyển cơ trưởng, cơ phó cho các dòng máy bay Airbus A320F và A330 đến hết năm hết năm nay. Tương tự, Vietravel Airlines đang tìm thêm phi công A320/A321, nhưng không công bố chi tiết thu nhập. Ngoài ra, hãng hàng không du lịch đầu tiên tại Việt Nam này cũng tuyển dụng thêm tiếp viên.
"Khi các đường bay quốc tế được khôi phục, Vietravel Airlines đã chủ động bổ sung nguồn lực bằng việc tuyển dụng và đào tạo một loạt vị trí. Động thái này để phục vụ cho kế hoạch mở rộng đội bay lên 6 chiếc (tăng 3 chiếc so với hiện nay) và khai thác thêm nhiều đường bay quốc tế mới đến Đông Bắc Á, Đông Nam Á từ quý III", đại diện Vietravel Airlines cho biết.
Vietravel Airlines cũng nhận định nhu cầu tuyển dụng của các hãng bắt đầu tăng cao khi thị trường hồi phục, cũng như hiện nay một số dự án thành lập hãng hàng không mới đang được triển khai rốt ráo. Vì vậy, nhân lực ngành hàng không trong nước năm nay có thể khan hiếm trở lại, xuất hiện hiện tượng cạnh tranh.
"Điều này sẽ tạo ra những khó khăn nhất định cho kế hoạch mở rộng đội ngũ nhân sự chất lượng cao của hãng", đại diện Vietravel Airlines nói.
Theo Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không) Bùi Minh Đăng, các hãng đang khai thác đường bay đến 15 quốc gia sau khi mở cửa bay quốc trở lại từ 15/2. Ông đánh giá khả năng khôi phục lại thị trường hàng không, du lịch năm nay là "hoàn toàn hiện hữu".
Ông cho biết theo kịch bản khả thi nhất, năm 2022, thị trường hàng không Việt Nam có thể đạt 42-43 triệu lượt khách, tương đương hơn 50% thời điểm trước dịch năm 2019.
Hiện tại, theo ông Đăng, các hãng Việt Nam vẫn chưa mở lại được đường bay tới các thị trường lớn trước đây như Trung Quốc (7 triệu khách/năm), Hàn Quốc (10 triệu khách/năm). Đường bay đến Trung Quốc vấn còn một số vấn đề do quy định phòng chống dịch của nước này, nhà chức trách cần làm việc thêm. Tuy nhiên, thị trường Hàn Quốc kỳ vọng có những tín hiệu tích cực hơn khi nước này đã có chính sách nới lỏng nhập cảnh.