Từng "nổi như cồn" vì sở hữu thương hiệu bún sạch được định giá 100 tỉ đồng, tự tin xuất hiện trên chương trình Shark Tank để gọi vốn 200 tỉ đồng… nhưng gặp khó khăn trong việc giữ cho công ty thoát khỏi lao dốc, bà chủ bún sạch Nguyễn Bính vẫn say sưa nói về giấc mơ thoát ra khỏi cái bóng của chính mình để "trở lại và lợi hại hơn xưa"
+ Phóng viên: Sau dịch Covid-19, đa số ông chủ/bà chủ doanh nghiệp xuống sắc thấy rõ vì phải chịu quá nhiều áp lực nhưng chị lại trẻ trung, tươi tắn hơn trước. Có phải Bún sạch Nguyễn Bính đang có tin vui gì nên chị phấn chấn đến vậy?
- Bà Nguyễn Thị Bính, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM-DV Nguyễn Bính: Tôi đã quen với áp lực từ mấy chục năm nay nên dù có khó khăn đến thế nào cũng có thể vui vẻ, lạc quan, nhờ vậy mà giữ được thần sắc ngày càng tốt.
Thời gian gần đây, 2 con trai bắt đầu phụ giúp tôi nhiều việc ở công ty, từ coi sóc hoạt động của xưởng sản xuất đến liên hệ khách hàng, nhà cung cấp… Tôi vui vì các con hiểu được tâm huyết và nỗi vất vả của mẹ nên chịu khó học hỏi, đồng hành với mẹ. Niềm vui lớn hơn là bún sạch Nguyễn Bính sắp được sản xuất tại Đức, bán cho cộng đồng người Việt bên đó.
Công ty Nguyễn Bính có tổng cộng 12 loại sản phẩm từ bột gạo, trong đó bún tươi là mặt hàng bán chạy nhất, chiếm 70% sản lượng
+ Nghĩa là chị nhượng quyền thương mại sang Đức?
- Không hẳn là vậy. Có một doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị ở Berlin muốn mở nhà máy quy mô 2.500 m2 để sản xuất bún bún tươi sạch truyền thống cung cấp cho cộng đồng người Việt ở Đức. Tôi bán công thức cho họ, giúp họ bản vẽ nhà xưởng, dây chuyền thiết bị và có thể là cung cấp một số máy móc.
Bỏ qua yếu tố tiền nong, với tôi, cuộc hợp tác này vô cùng có ý nghĩa vì khai phá cho tôi 1 hướng đi mới: làm thế nào để bán công thức bún sạch truyền thống ra nhiều thị trường hơn.
Tôi có lô đất 10.000 m2 ở huyện Củ Chi, TP HCM. Nếu có thêm nhiều hợp đồng chuyển giao thế này, tôi sẽ sớm có đủ tiền đầu tư xây dựng nhà máy quy mô lớn tại đó.
+ Nhưng thị phần bún Nguyễn Bính đâu còn bao nhiêu mà cần nhà máy lớn?
- Quả thật, doanh thu công ty trong mấy năm nay không tốt. Nếu giai đoạn đỉnh điểm 2010-2015, mỗi tháng công ty cần hơn 200 tấn gạo để làm bún thì nay chỉ còn khoảng 20 tấn/tháng, tức chỉ bằng 1/10 trước đây. Đầu ra sản phẩm càng bị hẹp khi dịch Covid-19 vừa rồi, doanh nghiệp, hàng quán đóng cửa nhiều, chợ truyền thống cũng phải tạm ngưng hoạt động một thời gian nên tôi bị mất mối nhiều. Kinh tế đang khó khăn, người bán càng cò kè so giá, bún Nguyễn Bính không thể cạnh tranh lại hàng giá rẻ.
Người mua chỉ quan tâm loại nào giá rẻ, bảo quản được lâu hơn, bán không hết có thể đổi trả mà không cần biết bún bẩn, dùng hóa chất công nghiệp chỉ cần ngâm 2 giờ đã có thể đưa vào sản xuất. Cũng là sợi bún, phở, bánh ướt… nhưng sản xuất theo công thức truyền thống phải mất 17 ngày kể từ lúc ngâm gạo và qua tổng cộng 15 công đoạn, chỉ cần sơ sẩy ở bất kỳ công đoạn nào đều ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc gây hư hỏng.
Từng nhiều lần đi lên từ thất bại, bà chủ thương hiệu bún trăm tỉ luôn lạc quan hướng về phía trước, ấp ủ kế hoạch mở 1 nhà máy lớn hơn, hiện đại hơn
+ Nhưng có một thực tế khác là người tiêu dùng hiện rất khó mua sản phẩm của Nguyễn Bính, vô siêu thị, ra chợ, lên mạng đặt hàng… đều không có?
- Đây là điều tôi rất trăn trở. Trước đây, Nguyễn Bính là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp bún tươi sạch cho các hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM. Dần dà, một số nhà cung cấp khác cũng chào hàng, chấp nhận giá rẻ hơn và chiết khấu cao hơn, đẩy hàng của chúng tôi văng ra khỏi quầy kệ. Từ 3 năm nay, Nguyễn Bính đã ngưng bán hàng cho các siêu thị lớn, chỉ còn cung cấp cho hệ thống Aeon Citimart hơn 100 kg/ngày.
Một số chuỗi siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch cũng đang lấy hàng nhưng lượng tiêu thụ không đáng kể. Nhà hàng, khách sạn, quán ăn cao cấp… thì chỉ nơi nào chịu đầu tư cho chất lượng, chấp nhận giá cao mới lấy hàng của Nguyễn Bính. Sạp chợ cũng vậy, trước đây nhiều tiểu thương lấy bún Nguyễn Bính về bán cho đa dạng sản phẩm nhưng từ sau Covid-19, con số này giảm đáng kể.
Đáng buồn nhất là nhiều bếp ăn, trường học ký hợp đồng với công ty nhưng chỉ được tháng đầu, đến tháng thứ 2 họ cắt đơn hàng xuống còn 1/10 để thay bằng bún giá rẻ và yêu cầu công ty xuất hóa đơn. Chúng tôi dứt khoát từ chối, thà mất khách chứ không tiếp tay lừa dối người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Bính vẫn tự hào và quyết tâm gìn giữ, phát huy nghề làm bún truyền thống của gia đình
+ Với nguồn lực hiện tại, khả năng vực dậy công ty là rất khó. Chị có nghĩ đến chuyện một lần nữa kêu gọi đầu tư để phát triển công ty bài bản hơn?
- Làm bún là nghề gia truyền, nhiệm vụ của tôi là giữ gìn, tiếp quản và phát triển nghề truyền thống này một cách tử tế. Bối cảnh hiện đại đòi hỏi tôi phải gìn giữ những điều tốt đẹp, tinh túy của nghề, không để cho cái nghề truyền thống này mai một đồng thời linh hoạt, sáng tạo để hội nhập cuộc sống lẫn môi trường kinh doanh mới. Với tôi, làm bún không chỉ là nghề mà là nghiệp, một khi nghiệp đã vận vào thân thì chỉ có cách gắn bó suốt đời.
Không kể lần từ chối bán 49% cổ phần công ty cách đây 7 năm, mới đây, 1 nhà sản xuất thực phẩm từ bột mì, bột gạo lớn tại Việt Nam đã đánh tiếng mua công ty nhưng tôi từ chối. Tôi khẳng định là sẽ không bao giờ bán công ty và sẽ nỗ lực hết sức để truyền nghề cho các con, giữ công ty cho chúng.
Tuy nhiên, tôi biết rõ những hạn chế của doanh nghiệp gia đình nên sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư muốn cùng phát triển, tìm kiếm lợi nhuận từ thương hiệu bún Nguyễn Bính. Giờ tôi chỉ mong tìm được nhà đầu tư phù hợp; tôi sẽ tập trung vào mảng kỹ thuật và sản xuất còn phần điều hành, làm thương hiệu, phát triển thị trường sẽ giao hẵn cho họ. Có như vậy, công ty mới mạnh lên được.