"Giống như những năm 1990 đang quay trở lại", Satya Nadella, CEO Microsoft nói trong buổi ra mắt sản phẩm mới ở New York hôm 21/9. Những năm 90 từng là thời huy hoàng của gã khổng lồ phần mềm Mỹ. Khi ấy, hệ điều hành Windows phổ biến khắp máy vi tính toàn cầu, giúp lợi nhuận tăng vọt và doanh thu thường xuyên tăng hơn 30% mỗi năm.
Nhờ thế, trong một thời gian, Microsoft trở thành công ty có giá trị nhất thế giới. Nhưng thành công lại sinh ra sự tự mãn, theo Economist. Đến đầu những năm 2010, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại, tỷ suất lợi nhuận cũng giảm.
Thêm một thập kỷ trôi qua, vào những năm 2020, Microsoft tìm được một thời kỳ hoàng kim mới. Lần này, CEO Nadella đặt cược trọng tâm vào điện toán đám mây thay vì Windows như xưa. Điều này giúp Microsoft cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Biên lợi nhuận hoạt động từ mức 29% năm 2014 đã tăng lên 43%, cao nhất trong 50 công ty phi tài chính lớn nhất nước Mỹ tính theo doanh thu.
Các nhà đầu tư có vẻ hạnh phúc. Kể từ khi triển vọng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn gây ra đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ vào tháng 11/2021, giá cổ phiếu của Microsoft đã đánh bại tất cả đối thủ lớn, ngoại trừ Apple. Khép phiên giao dịch ngày 29/9, vốn hóa của Microsoft đạt 2.350 tỷ USD, giá trị thứ hai thế giới sau Apple với vốn hóa 2.680 tỷ USD.
Giờ đây, ông Nadella đang tiến hành một cuộc tái tổ chức táo bạo khác, lần này là về trí tuệ nhân tạo (AI). Phần lớn nhờ khoản đầu tư vào OpenAI, công ty khởi nghiệp sở hữu ChatGPT. Chiến lược này giúp Microsoft đã trở thành công ty cung cấp các công cụ AI, khi mà mới một năm trước hầu hết người quan sát đều cho rằng dẫn dắt cuộc chơi này sẽ là Alphabet - công ty mẹ của Google hoặc Meta - công ty mẹ của Facebook.
Có triển vọng rằng, AI có thể đưa Microsoft vươn cao hơn nữa, giúp hãng này giành lại ngôi vị công ty lớn nhất thế giới từ tay Apple, theo Economist. Và hành trình tìm lại ngôi vương của Microsoft mang lại 3 bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp.
Đầu tiên là sự cảnh giác. Khi Steve Ballmer tiếp quản Microsoft từ Bill Gates vào năm 2000, Windows là thứ bất khả xâm phạm. Kết quả là Microsoft đã không khai thác được những thay đổi lớn trong công nghệ, chẳng hạn sự xuất hiện của điện thoại thông minh và điện toán đám mây.
Điều này có thể dễ dàng khiến họ đi vào con đường lụi tàn như Kodak hay BlackBerry. Nhưng kịp thời, khi tiếp quản ghế CEO, Nadella nhận thức sâu sắc về tình trạng tụt hậu của công ty. Từ đó, Microsoft hết sức để ý trước những công nghệ mới đầy hứa hẹn. Tâm thế đó giúp họ nhanh chóng để mắt đến AI.
Bài học thứ hai là các doanh nghiệp không cần phải tự phát minh. Microsoft rất thành thạo trong việc tìm ra cách tổng hợp và bán các công nghệ được tạo ra bởi người khác. Tại sự kiện mới đây ở New York, họ ra mắt "Copilots", trợ lý AI giống như ChatGPT, ứng dụng cho nhiều dịch vụ phần mềm khác nhau. Cốt lõi trong chiến lược này là khả năng kết hợp các công cụ của OpenAI với lĩnh vực điện toán đám mây của công ty.
Microsoft hiện cũng muốn áp dụng công thức tương tự vào hoạt động kinh doanh game của mình. Sở hữu Xbox, họ có kế hoạch kết hợp công nghệ đám mây với lĩnh vực kinh doanh game và chuyên môn của Activision Blizzard - một trong các công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới. Gần đây, các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu đã "bật đèn xanh" cho nỗ lực chi 69 tỷ USD để thâu tóm Activision Blizzard của Microsoft.
Cách tiếp cận thông qua M&A của Microsoft khác với Google, công ty bị ám ảnh bởi phát minh. Google đã lỗ tổng cộng 24 tỷ USD trong hoạt động kinh doanh gọi là "Các kế hoạch đầu tư lớn khác" (Other Bets) kể từ năm 2018. Tương tự, Amazon cũng đầu tư rất nhiều vào các công nghệ mang tính khoa học viễn tưởng nhưng đến nay vẫn chưa có khách hàng.
Màn hình ba chiều cho điện thoại thông minh của họ đã thất bại và việc áp dụng công nghệ quét lòng bàn tay tại các cửa hàng tạp hóa còn chậm chạp. Amazon và Google đều đã ném tiền vào máy bay giao hàng không người lái.
Bài học cuối cùng là việc tiếp xúc với thị trường chứng khoán sẽ tạo ra kỷ luật cần thiết để kiềm chế các nhà sáng lập. Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta, đã mất 40 tỷ USD để xây dựng giấc mơ vũ trụ ảo (Metaverse) của bản thân và thậm chí còn có kế hoạch chi nhiều hơn nữa. Ông ấy có thể quyết định điều này vì các loại cổ phần mang lại cho ông 61% quyền biểu quyết tại Meta. Tương tự, những nhà sáng lập Google gồm Sergey Brin và Larry Page, nắm giữ đến 51% quyền biểu quyết tại Alphabet. Điều này có thể giải thích tại sao công ty gặp khó để phát triển ra ngoài lĩnh vực công cụ tìm kiếm.
Ngược lại, Apple và Microsoft tồn tại lâu đời hơn, không còn bị thống trị bởi những người sáng lập và có giá trị vốn hóa hơn nhiều.
Tất nhiên, những chiến lược tìm lại ngôi vương của Microsoft cũng có những mặt trái. Ví dụ, quá nhiều cảnh giác có thể gây mất tập trung. Ngược lại, một nhà sáng lập tập trung quyền lực và tham vọng cũng có thể mở ra cơ hội thu nhập mới quy mô lớn. Nhưng dù sao, Microsoft vẫn là ví dụ hiếm hoi về một gã khổng lồ đã tái sinh thành công. Và lần này, nếu việc đặt cược vào AI của họ thắng lợi thì khả năng công ty còn tiến xa hơn nữa, theo Economist.
(theo The Economist)