Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, sầu riêng chứa nhiều vitamin như vitamin C, axit folic, thiamin, riboflavin, niacin, vitamin B6 và vitamin A. Các khoáng chất quan trọng như kali, sắt, canxi, magie, natri, kẽm, photpho cũng được tìm thấy trong sầu riêng.
Với lượng dinh dưỡng khổng lổ, sầu riêng có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa ung thư và ức chế hoạt động của gốc tự do, cải thiện tiêu hóa, cải thiện các dấu hiệu thiếu máu, ngăn ngừa lão hóa sớm, hạ huyết áp và chống lại các bệnh tim mạch.
Một số lợi ích nhỏ hơn là giảm viêm khớp, giúp sức khỏe tuyến giáp, giảm đau đầu và giảm các triệu chứng trầm cảm, lo lắng và căng thẳng.
Ngoài ra, loại quả này có rất nhiều vitamin, chất dinh dưỡng và các hóa chất hữu cơ có chức năng chống oxy hóa, từ đó giảm nguy cơ ung thư. Một tác dụng ít ai ngờ tới của sầu riêng là tăng cường chức năng sinh lý, đồng thời giảm nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ, tăng khả năng vận động của tinh trùng.

Sầu riêng tại nhà vườn ở miền Tây. Ảnh: Mạnh Khương
Mặc dù sầu riêng ngon, bổ dưỡng, song một số trường hợp không nên ăn nhiều loại quả này.
Mụn nhọt, nóng trong
Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, sầu riêng về bản chất là loại thực phẩm nóng, rất kỵ với người có mụn nhọt, nóng trong người.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều sầu riêng do lượng đường trong loại quả này khá cao. Bên cạnh đó, sầu riêng là thực phẩm nóng, phụ nữ mang thai ăn nhiều có thể bị đầy hơi, khó tiêu.
Người bị cảm lạnh, táo bón
Sầu riêng nóng và gây đờm. Do đó, những người đau họng, ho, bị cảm lạnh và khí quản nhạy cảm, người đang bị táo bón, trĩ không thích hợp ăn loại quả này. Những người tì vị yếu nếu ăn nhiều sầu riêng sẽ dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Bệnh nhân tiểu đường, béo phì, cao huyết áp
Loại quả này có chỉ số đường rất cao (lên đến 70%), giàu calo, gây tăng đường huyết rất nhanh sau khi ăn. Do đó, bệnh nhân tiểu đường, người béo phì, bệnh nhân huyết áp cao và người có chỉ số cholesterol máu cao nên tránh ăn nhiều sầu riêng.
Người mắc bệnh thận, tim mạch
Sầu riêng có hàm lượng kali cao, những người mắc bệnh thận và bệnh tim nên hạn chế ăn. Chất kali bị ứ đọng lại trong cơ thể khi bị suy thận sẽ gây ra tình trạng nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột mà không có triệu chứng báo trước.
Người bệnh phụ khoa, bị viêm nhiễm hoặc người già
Những bệnh nhân có khối u phụ khoa, vấn đề tuyến tiền liệt hoặc đang bị viêm nhiễm không nên ăn sầu riêng. Loại quả này rất giàu cellulose, người già nên hạn chế ăn vì sẽ gây tắc ruột và táo bón.
Người đang giảm cân
Mặc dù sầu riêng không chứa cholesterol hoặc chất béo không tốt cho sức khỏe, loại trái cây này vẫn chứa nhiều calo. Một kg sầu riêng chứa khoảng 1.350 calo, tương đương với tổng lượng calo trong ngày của một người trưởng thành bình thường.
Trung bình, một múi sầu riêng nhỏ nặng 40 g chứa 56 calo, một múi sầu riêng lớn nặng 80 g chứa 113 calo. Do đó, mọi người chỉ nên ăn khoảng 2-3 múi sầu riêng/ngày (khoảng 168-339 calo) và 1-2 ngày/tuần để đảm bảo sức khỏe và không bị tăng cân.