Apple ID bị xâm nhập
Apple ID là tài khoản quản trị cao nhất trên iPhone, cũng là "chìa khóa" quan trọng mọi tin tặc đều muốn có. Nếu người dùng từng nhận email thông báo Apple ID đã đăng nhập trên một thiết bị lạ, mật khẩu vừa thay đổi, một số tập tin, tin nhắn đột ngột biến mất hay những khoản thanh toán dịch vụ bất thường, nhiều khả năng đã có người khác đang sử dụng chung tài khoản.
Tuy nhiên, khả năng bảo mật bảo mật của Apple đủ để giúp người dùng khôi phục quyền quản trị. Trong trường hợp không thể truy cập, có thể sử dụng công cụ do Apple cung cấp để phục hồi Apple ID. Các chuyên gia khuyến cáo người dùng đặt mật khẩu mạnh (kết hợp phức tạp giữa chữ thường, chữ hoa, ký tự đặc biệt và chữ số), bật tính năng bảo mật hai lớp.
Thiết bị lạ trong nhóm gia đình hoặc ứng dụng Find My
Nhóm chia sẻ gia đình (Family Sharing) và tính năng tìm kiếm thiết bị thất lạc Find My là hai phương thức kẻ gian thường lợi dụng để truy cập vào thiết bị Apple của người dùng.
Trong đó, Family Sharing dùng để chia sẻ gói thuê bao, khoản mua sắm ứng dụng, hình ảnh, chia sẻ vị trí, lịch làm việc... trong nhóm thành viên gia đình mà không cần dùng chung một Apple ID. Người dùng cần thường xuyên kiểm tra nhóm có xuất hiện thành viên mới nào không.
Tính năng Find My cũng tương tự khi chứa tất cả thiết bị đã đăng ký vào cùng một Apple ID. Nếu trong số này có máy không thuộc quyền sở hữu của chủ tài khoản, nên loại bỏ và cập nhật mật khẩu ngay lập tức.
Quyền truy cập micro, camera bị xâm phạm
Khi gọi điện, âm thanh môi trường xung quanh được thu qua micro nghe giống tín hiệu nhiễu do sóng kém. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rủi ro iPhone đã bị cài chương trình gián điệp. Trên thị trường xuất hiện một số phần mềm gián điệp để ghi âm cuộc gọi nhưng chúng đôi khi cũng tạo ra âm thanh bất thường, có thể nghe thấy trong quá trình đàm thoại. Ví dụ, người dùng nghe tiếng bíp, giọng nói nhỏ của người lạ có thể là dấu hiệu đã bị cài phần mềm nghe lén.
Với một số ứng dụng gián điệp, camera có thể tự động được kích hoạt, tự chụp ảnh xung quanh rồi gửi đến máy chủ hoặc thiết bị khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phần mềm gián điệp trên iPhone khá dễ bị phát hiện khi yêu cầu quyền truy cập đặc biệt nằm ngoài tính năng của chương trình mà chúng đóng giả. Ví dụ, phần mềm ghi chú nhưng đòi quyền truy cập camera, hay ứng dụng bản đồ lại muốn can thiệp vào micro... Người dùng nên xóa ngay các chương trình này khỏi máy.
Máy hết pin nhanh chóng
Ứng dụng theo dõi điện thoại thường chạy ngầm liên tục trên iPhone mà người dùng không hay biết. Nếu nhận thấy điện thoại thường xuyên hết pin nhanh bất thường dù không cập nhật hệ điều hành mới hay sử dụng nhiều, nên kiểm tra kỹ máy bởi phần mềm gián điệp có thể là nguyên nhân.
Có nhiều lý do khác khiến iPhone hết pin nhanh hơn thường lệ như sử dụng phần mềm quá thường xuyên, pin điện thoại đã cũ hay bị chai. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là mức tiêu thụ điện năng bất thường. Máy trở nên nóng hơn trong điều kiện hoạt động bình thường cũng là một yếu tố cần xem xét. Phần mềm độc hại, gián điệp khi cài và hoạt động trên máy thường khiến thiết bị tăng nhiệt nhanh, nóng hơn.
Ngẫu nhiên khởi động lại hoặc tắt máy
Phần mềm gián điệp sẽ ảnh hưởng đến máy theo nhiều cách khác nhau. Trường hợp màn hình bỗng nhiên không thể thao tác, ứng dụng mở chậm, tự động thay đổi cài đặt khi khởi động hay ngẫu nhiên tắt hoặc khởi động lại... đều là dấu hiệu cho thấy có chương trình độc hại hoạt động trái phép trên máy.
Trong điều kiện sử dụng bình thường và máy không hư hỏng chức năng, iPhone không thể tự khởi động lại. Các chương trình gián điệp chất lượng kém sẽ khiến máy có hành vi bất thường như tự tắt ngoài ý muốn. Để gỡ bỏ hoàn toàn, nên tiến hành khôi phục máy về trạng thái ban đầu (Factory Reset).
Nhận tin nhắn lạ
Nhận tin nhắn từ người hay đầu số tổng đài lạ không phải chuyện hiếm khi sử dụng điện thoại. Nội dung này thường vô hại nếu người dùng bỏ qua hoặc xóa đi thay vì thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn.
Tuy nhiên, nếu nhận được nhiều tin nhắn lạ chứa các đoạn mã giống như lập trình sẽ là tín hiệu bất thường. Kẻ gian thường gửi tin nhắn chứa code nhằm kiểm tra trạng thái hoạt động của ứng dụng gián điệp đã cài lên máy nạn nhân.
Xuất hiện lịch sử duyệt web lạ, ứng dụng khả nghi
Người dùng được khuyến cáo kiểm soát và biết rõ các phần mềm đã cài về máy, cũng như nắm được lịch sử dùng trình duyệt web của mình như một biện pháp kiểm tra sự bất thường trên điện thoại. Nếu có ứng dụng lạ trên máy hay không biết công dụng, hoặc lịch sử truy cập vào một số website lạ, đồng nghĩa điện thoại có thể đã bị xâm nhập.
Một ứng dụng bất thường trên máy hoàn toàn có thể được lén cài vào nhằm theo dõi hành vi dùng điện thoại của chủ thiết bị. Do đó, nên xóa chương trình này và kiểm tra thêm quyền truy cập dữ liệu của những phần mềm thuộc diện nghi ngờ khác.