Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng,” thì “chất” chưa có sự phát triển tương xứng. Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với báo chí về định hướng phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian tới.
- Thời gian qua, dư luận và người dân đang rất quan tâm tới chất lượng phát triển thị trường bảo hiểm. Thưa Bộ trưởng, thị trường bảo hiểm có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.
Thị trường bảo hiểm ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho nhân dân.
Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý đối với thị trường bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện, hỗ trợ thị trường phát triển. Từ đó, góp phần thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.
Tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền 656.000 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm trên 64.000 tỷ đồng.
Tới cuối tháng Tư vừa qua, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.400 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 708.400 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt 75.300 tỷ đồng, tăng 1,12%; trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số cho thấy, sự tăng trưởng cũng như sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình tăng trưởng nhanh về lượng, thì “chất” chưa có sự phát triển tương xứng. Điển hình là thời gian vừa qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance). Bancassurance giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Do đó, cần nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động lành mạnh, đúng hướng.
Qua phản ánh của báo chí, dư luận, cũng như quản lý, giám sát, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những điểm còn tồn tại trong khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.
- Bộ trưởng vừa chia sẻ là còn một số nguyên nhân như chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của các đại lý bảo hiểm, nhiều khách hàng bức xúc khi mua bảo hiểm nhân thọ. Bộ trưởng đánh giá sao về thực trạng này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhìn toàn cục, chất lượng đại lý bảo hiểm đã có sự cải thiện. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư cho khâu đào tạo đại lý, công nghệ thông tin, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc khác hàng.
Tuy vậy, chúng ta không phủ nhận rằng, một số đại lý bảo hiểm hoạt động với chất lượng chưa cao. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng vào đào tạo đại lý theo hướng làm sao để bán được sản phẩm. Điều đó có nghĩa là đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng, hơn là chú trọng kiến thức kinh tế nền, kiến thức chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp.
Mặt khác, một số doanh nghiệp bảo hiểm chú trọng nhiều hơn tới doanh thu, lợi nhuận đại lý thu về, mà lơ là việc kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý.
Đại lý bảo hiểm không đảm bảo tiêu chuẩn, chưa tư vấn đầy đủ, khách quan, nhất là các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Mặt khác, không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn tâm lý cả tin, cả nể khi ký hợp đồng bảo hiểm nên đã ảnh hưởng tới chất lượng phát triển chung của thị trường bảo hiểm.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc mà dư luận phản ánh trong thời gian qua, làm giảm vai trò, bản chất thực và tính nhân văn của bảo hiểm. Do vậy, đây là vấn đề thị trường phải thực sự thay đổi một cách mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải nâng cao nhận thức, rà soát lại, có giải pháp để nâng cao chất lượng đại lý. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chấn chỉnh và xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm.
- Một số chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân lớn làm cho nhiều khách hàng bức xúc hơn về chất lượng thị trường bảo hiểm nhân thọ đó là vì kênh bancassurance. Theo Bộ trưởng, phải làm thế nào để khai thác kênh bán bảo hiểm tiềm năng này nhưng vẫn giữ được giá trị nhân văn của ngành bảo hiểm?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bancassurance là một kênh tiềm năng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bancassurance đã khẳng định được hiệu quả tốt. Ở Việt Nam, kênh này mới phát triển trong những năm gần đây nhưng có sự phát triển nhanh, mang lại doanh thu không nhỏ cho các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Đây là cơ hội cho thị trường bảo hiểm đa dạng hóa kênh phân phối, nhưng rõ ràng thực tế triển khai còn nhiều vấn đề cần phải thay đổi, hoàn thiện để phát triển minh bạch, đúng định hướng.
Thực tế, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng đã nhìn thấy các vấn đề phát sinh và khẩn trương vào cuộc để thay đổi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần làm việc và có văn bản chấn chỉnh các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm phải nghiêm chỉnh chấp hành, tuân thủ pháp luật, cấm các hành vi mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ (hay gọi nôm na là “ép”) khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Riêng Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tăng cường quản lý, giám sát hoạt động này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo sự quản lý song hành từ phía các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc hoàn thiện pháp lý, nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm (bao gồm cả bancassurance) đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng sẽ được ban hành sớm để chấn chỉnh hoạt động, tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng của kênh phân phối này.
- Vậy, giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung phát triển chất lượng hơn là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường bảo hiểm đã trải qua một chặng đường xây dựng và phát triển với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là nỗ lực chung của cả cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm và bao gồm cả sự ủng hộ của người mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thực tiễn vừa qua, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng ta phải nhìn nhận những đánh giá khách quan từ nhiều phía, của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (gồm cả các ngân hàng thương mại), đến người mua bảo hiểm.
Để đạt được các mục tiêu lớn đề ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cần hoàn thiện và xứng tầm hơn với tiềm năng lợi thế của Việt Nam như chất lượng nhân lực, cơ sở dữ liệu thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường quản trị rủi ro và tính minh bạch của các doanh nghiệp bảo hiểm...
Đây là các vấn đề rất cần thiết, là cơ sở vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, phát huy vai trò là “bà đỡ,” góp phần phát triển ổn định và bền vững cho các chủ thể khác trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Với những thành quả đạt được, tiềm năng phát triển, cũng như những tồn tại trên thực tế, chúng tôi cho rằng đây vừa là thách thức cần nỗ lực để hoàn thiện, vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng về quy mô, cải thiện về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số, xu hướng phát triển công nghệ,... nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về lượng và chất.
Tuy vậy, để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay mà cần một quá trình. Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động và xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về bảo hiểm, về phía khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau.
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chúng tôi tin tới đây, ngành bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế và an sinh xã hội.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!