Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh ngày 28/5, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư với các dự án về các lĩnh vực: bất động sản – du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng – nước sạch, giáo dục, nông nghiệp…, có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỷ đồng.
Trong danh sách này, Tổng công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco) là cái tên thu hút sự chú ý lớn khi nghiên cứu xây dựng các dự án Nhà điều hành hệ thống năng lượng công nghệ cao, dự án Khai thác tiềm năng thủy điện từ các hồ thủy lợi, dự án Thủy điện tích năng 2 cặp hồ, dự án Điện mặt trời nổi trên mặt các hồ thủy lợi và dự án Điện mặt trời trên mặt các kênh thủy lợi, với tổng mức đầu tư lên tới 23.579 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , Tổng công ty Cơ điện Xây dựng – CTCP (Agrimeco) tiền thân là Tổng công ty Cơ điện Nông Nghiệp và Thuỷ lợi, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Năm 2003, Tổng công ty Cơ điện Nông nghiệp và Thủy lợi và Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi 1 được sáp nhập và trở thành Tổng công ty Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi (Agrimeco), với mục tiêu xây dựng một tập đoàn kinh tế đủ năng lực thực hiện các dự án mang tầm cỡ quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đến năm 2013, Agrimeco thực hiện cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ 215 tỷ đồng.
Theo đó, Agrimeco phát hành lần đầu 21,5 triệu cổ phần, trong đó Nhà nước (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC) nắm giữ 6.235.000 cổ phần, chiếm 29% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 2.123.100 cổ phần, chiếm 9,87% vốn điều lệ; bán cho tổ chức công đoàn 165.000 cổ phần, chiếm 0,77% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 11.686.900 cổ phần, chiếm 54,36% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 1.290.000 cổ phần, chiếm 6% vốn điều lệ. Nhà đầu tư chiến lược gồm Công ty Quản lý quỹ VietinBank (VTBC) sở hữu 7.525.000 cổ phần, chiếm 35% vốn điều lệ; Công ty TNHH Kỹ thuật Thương mại BALKAN sở hữu 4.161.900 cổ phần, chiếm 19,36% vốn điều lệ. Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.
Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm sau khi mua cổ phần, Công ty BALKAN đã làm thủ tục để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Hiroshima Toyota Trading.
Sau đó vào ngày 26/4/2016, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, cổ đông Agrimeco đã thông qua tờ trình VTBC chuyển nhượng trước hạn toàn bộ hơn 7,5 triệu cổ phần, tương ứng 35% tổng số cổ phần của Agrimeco cho cán bộ, nhân viên Công ty và ủy quyền cho Công đoàn Công ty thực hiện.
Đến ngày 8/12/2017, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán đấu giá 6,235 triệu cổ phần, tương đương 29% vốn điều lệ Agrimeco.
Tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, cá nhân vượt qua 5 nhà đầu tư khác để gom toàn bộ 29% cổ phần Agrimeco với mức giá 42.200 đồng/cổ phần (cao gấp 2,4 lần mức giá khởi điểm) là ông Uông Huy Giang (SN 1978).
Tuy nhiên nửa năm sau đó, vào tháng 7/2018, ông Uông Huy Giang đã thoái vốn khỏi Agrimeco, hướng ngược lại Agrimeco đón thêm cổ đông mới là bà Phạm Thu Thủy với tỷ lệ sở hữu 21% và ông Đồng Tuấn Vũ với tỷ lệ sở hữu 24,55%. Song từ đầu năm 2020, bà Thủy đã nhiều lần bán cổ phần Agrimeco.
Cập nhật tại ngày 31/12/2021, các cổ đông lớn của Agrimeco gồm ông Đồng Tuấn Vũ (24,55%), con rể ông Đồng Tuấn Vũ là ông Lê Tuấn Anh nắm 11,17%, Chủ tịch HĐQT Lê Văn An (bố ông Lê Tuấn Anh, nắm 8,83%), Công đoàn Agrimeco (10,77%), ngoài ra còn 9,9% cổ phiếu quỹ.
Hệ sinh thái của doanh nhân Đồng Tuấn Vũ
Cổ đông cá nhân lớn nhất của Agrimeco ông Đồng Tuấn Vũ nên biết là một doanh nhân có đủ tiếng tăm trong ngành thép Việt Nam.
Những năm 90 của thế kỷ XX chứng kiến sự chuyển mình của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường với sự ra đời của nhiều ngành nghề mới. Nhận thấy tiềm năng phát triển rất lớn trong mảng ống thép từ nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị tăng mạnh, ông Đồng Tuấn Vũ đã bắt đầu khởi nghiệp trong ngành thép tại Tổng Công Ty Thép Việt Nam. Năm 1999, trong lúc vẫn đang làm tại Tổng Công Ty Thép, ông Vũ đã sáng lập Công Ty Quang Minh với sản phẩm đầu tiên là ống thép đen không mạ.
Năm 2005, với tầm nhìn nhạy bén cùng hoài bão lập nghiệp, ông Đồng Tuấn Vũ đã cùng những đồng sự của mình thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Minh Ngọc (Minh Ngọc Steel), chủ thương hiệu Thép Minh Ngọc.
Minh Ngọc Steel hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh thép cuộn, thép ống/hộp các loại. Giai đoạn 2015 - 2016, ống thép Minh Ngọc luôn nằm trong tốp thị phần, chỉ đứng sau các tên tuổi lớn như Hoà Phát hay Hoa Sen. Trong bản công bố thông tin, Minh Ngọc Steel cho biết là một trong đơn vị đầu ngành về thị phần thép tại miền Bắc và miền Trung và dẫn đầu thị phần thép tại Lào, doanh thu năm 2019 đạt mức 3.500 tỷ đồng.
Cập nhật tại ngày 7/10/2019, Minh Ngọc Steel có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, tại đây ông Đồng Tuấn Vũ nắm 51,59%, số còn lại do vợ là bà Phạm Thúy Nga nắm giữ. Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là ông Đỗ Tô Hiệu (SN 1978). Doanh nhân sinh năm 1978 này nên biết đã từng "hụt" 29% vốn điều lệ Agrimeco tại buổi đấu giá do SCIC tổ chức hồi cuối năm 2017.
Dù là doanh nhân có vị thế trong ngành thép, song ông Đồng Tuấn Vũ cùng Minh Ngọc Steel cũng duy trì sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là thuỷ điện.
Minh Ngọc Steel còn là cổ đông lớn thứ 2 nắm 48,67% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Điện Bắc Nà (mã EBA)- chủ đầu tư dự án Thuỷ điện Bắc Nà 1, tỉnh Lào Cai, chỉ sau cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Sông Đà 505 với 51,18%. Tại EBA, con gái ông Đồng Tuấn Vũ là Đồng Bảo Ngọc đảm nhiệm vị trí Trưởng ban kiểm soát.
Minh Ngọc Steel cũng là đối tác nhận chuyển nhượng 10,22 triệu cổ phần của CTCP Phát triển điện Nậm Chiến từ CTCP Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc (Mã CK: NED) với giá 17.711 đồng/CP vào quý 1/2021.
Ngoài ra, Minh Ngọc Steel hiện đang nắm 28,21% vốn Công ty Cổ phần RedstarCera (mã TRT) – doanh nghiệp có lịch sử thành lập lâu đời từ năm 1964 trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp với sản phẩm chính là gạch ốp lát, gạch chịu lửa, đất đèn. Tại RedstarCera, ông Đồng Tuấn Vũ giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Tại Hà Tĩnh, trước khi đề xuất loạt dự án khủng vừa qua, Minh Ngọc Steel là cổ đông sáng lập của CTCP Thuỷ điện Ngàn Trươi – chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi tại Thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang. Nhà máy được khởi công vào tháng 12/2017, có tổng mức đầu tư trên 340,3 tỷ đồng, công suất lắp máy 13,5 MW, điện lượng trung bình năm là 55,03 triệu Kwh.
CTCP Thuỷ điện Ngàn Trươi được thành lập ngày 12/6/2017, vốn điều lệ ban đầu ở mức 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Minh Ngọc Steel (30% VĐL), CTCP Đaksrông (19% VĐL) và Tổng Công ty cơ điện Xây dựng (51% VĐL).