Thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay 31/5, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Đại biểu đề xuất cần linh hoạt trong sử dụng tồn dư ngân quỹ của nhà nước để hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động, hỗ trợ lao động bị mất việc làm để ổn định, kích cầu nền kinh tế. Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế.
Thực trạng người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp do doanh nghiệp thiếu đơn hàng cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập đến khi báo cáo trước Quốc hội.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), khảo sát trên 7.333 doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp giảm quy mô lao động năm 2023 lên đến 71,2%. Ban IV nhận định có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.
Cũng nói về vấn đề lao động, tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội hôm 25/5, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay dự báo ảm đạm, khi số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm, công nhân thất nghiệp nhiều. Ông nêu điển hình ngày 23/5 vừa qua trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai tiếp nhận đến 22.000 hồ sơ thất nghiệp, trong khi địa phương này chính là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.
Vê vấn đề tồn dư ngân quỹ, tại phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho hay tồn dư ngân quỹ tới giữa tháng 5 khá cao - đã vượt 1 triệu tỷ đồng. Theo ông, đây là một vấn đề nhức nhối, là nghịch lý "tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được", không quay trở lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 26/5, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết tình trạng có tiền không tiêu được là thực tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đầu tư công.
Giai đoạn năm 2021-2022, khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn lên tới 700.000 đến 800.000 tỷ đồng, chưa đưa vào nền kinh tế. Cộng với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân. Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được hoặc phân bổ rồi lại không giải ngân được.
Theo đại biểu Lâm, hơn 1 triệu tỷ đồng là khoản tiền rất lớn đang dư ở một số lĩnh vực như đầu tư công, cải cách tiền lương, đầu tư xây dựng cơ bản và một số khoản chi mang tính chất thường xuyên.
"Ai cũng xót xa khi ngân quỹ tồn số tiền lớn đến như vậy. 1 triệu tỷ đồng không được phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỷ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000 đến 300.000 tỷ đồng, trong khi tiền có trong két mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí", ông Lâm nói.
Tuy nhiên, đại biểu Lâm cho rằng chúng ta cũng không nên đẩy tiền đầu tư công ra bằng mọi giá, mà cần sử dụng hiệu quả. Nếu đưa tiền ra mà làm thất thoát, lãng phí thì còn xót xa hơn. Không thể nóng vội mà đưa ra những giải pháp cực đoan. Trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, tuân thủ luật. Bởi nếu cắt hết các quy trình, thủ tục thì dễ nảy sinh thất thoát, tiêu cực, lãng phí.