Thủy điện Thượng Kon Tum (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chỉ trong một buổi sáng nay (7/7), liên tiếp 10 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.2 độ richter đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Ngoài ra, trong sáng nay, còn 1 trận động đất nữa xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có độ lớn 3.1 độ richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, tính từ đầu tháng 7/2023 đến nay, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 14 trận động đất, riêng trong sáng 7/7 là 10 trận.
“Qua đánh giá từ các số liệu cho thấy, những trận động đất ở Kon Tum, trong đó có các trận động đất sáng 7/7 là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định. Vì thế, có những đợt liên tiếp xảy ra động đất trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại”, ông Xuân Anh chia sẻ.
Ông Xuân Anh dự báo, động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng 6 tháng tới, tuy nhiên các trận động đất ở khu vực này có độ lớn không quá 5.5 độ richter. Viện Vật lý Địa cầu sẽ thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.
PGS.TS Cao Đình Triều – Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng cho biết thêm, động đất kích thích xảy ra khi nước thẩm thấu vào sâu lòng đất khiến đất đá thay đổi trạng thái, gây ra các tiếng nổ to nếu độ sâu chấn tiêu nông.
Cường độ của động đất kích thích thường sẽ yếu hơn động đất tự nhiên. Khi người ta nghiên cứu tác động của động đất để xây thủy điện, thường lấy giá trị độ lớn của động đất tự nhiên là 5.5 độ richter, do đó, động đất dưới 5 hầu như không ảnh hưởng đến đập thủy điện.