Theo Nikkei Asia, những quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế R&D thường dẫn đầu về công nghệ tiên tiến và có tiếng nói hơn khi thế giới thiết lập các tiêu chuẩn ngành. Trên thế giới, các doanh nghiệp lớn đang trong cuộc chạy đua xây dựng các trung tâm R&D. Tại Việt Nam có các trung tâm R&D của Samsung, Grab, LG, Panasonic, Qualcomm... cho thấy những ông lớn này hiểu rõ nghiên cứu liên quan mật thiết đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Trước làn sóng về R&D, ông Đặng Thanh Hùng, Phó tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam chia sẻ câu chuyện về 30 năm dẫn dắt công nghệ ngành tôn mạ của một "sếu đầu đàn" đến từ Australia.
- Câu chuyện đầu tư cho R&D của BlueScope bắt đầu từ khi nào, thưa ông?
- Câu hỏi thú vị này làm tôi nhớ đến những ngày đầu tiên BlueScope đặt chân vào thị trường Việt Nam - năm 1993. Thời điểm đó, đất nước chúng ta mới bắt đầu mở cửa nên mọi ngành đều đang ở giai đoạn phát triển sơ khai, ngành tôn mạ cũng vậy. Khi vào thị trường, ngành tôn mạ lần đầu được tiếp cận công nghệ mạ 2 lớp nhôm - kẽm (hay còn gọi là tôn lạnh) và nhanh chóng trở thành chuẩn mực mới của ngành tôn mạ thời điểm bấy giờ.
Khi đó, chúng tôi băn khoăn với một câu hỏi lớn, đó là tại một thị trường còn non trẻ có rất nhiều việc cần phải bắt tay vào làm như vậy, thì định hướng phát triển của chúng tôi sẽ là gì? Chúng tôi đã chọn điều mình giỏi nhất, đó là đổi mới công nghệ ngành tôn mạ, bởi chúng tôi có thế mạnh là kinh nghiệm hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển công nghệ tôn mạ trên toàn cầu. Chúng tôi đã bắt đầu làm R&D như thế, với một niềm tin rằng làm nghiên cứu bài bản sẽ giúp công ty tạo bước đột phá trong ngành, củng cố năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời có thể trở thành một trong những "sếu đầu đàn" dẫn dắt sự phát triển của công nghệ xây dựng, tạo nên những tiêu chuẩn mới trong ngành trong bối cảnh cả đất nước đang đổi mới.
- Nhiều doanh nghiệp lo ngại chi phí đầu tư cho R&D sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, quan điểm của ông thế nào?
- Thực tế, R&D chính là "chìa khóa" để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, câu chuyện về R&D không đơn thuần về chi phí mà là câu chuyện về "tồn tại hay không tồn tại".
Những người thế hệ Gen X như chúng tôi đã trải nghiệm rất rõ điều này. Chúng tôi đã chứng kiến từ sự hưng thịnh cho đến sụp đổ của rất nhiều "đế chế" khổng lồ. Chúng tôi là những người đã có tuổi thơ trong những mái nhà lợp ngói đỏ, những khu tập thể vài chục mét vuông, lớn lên với những ngôi nhà mái bằng và trưởng thành với các ngôi nhà cao tầng san sát nhau, được lợp mái tôn hoặc nhiều loại vật liệu hiện đại khác. Vì vậy, trong môi trường kinh doanh nói chung, ngành xây dựng nói riêng, doanh nghiệp bắt buộc phải bước theo bước đi của thời cuộc. Nếu bước đi chậm hơn, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau, rồi rơi vào quên lãng. R&D là điều kiện cần và đủ để bước đi nhanh hơn.
- Việc nghiên cứu ra một công nghệ mới thường tốn nhiều thời gian và công sức, vậy làm thế nào để một công nghệ mới ra đời mà không bị lạc hậu?
- Khi nói đến R&D, chúng ta nói đến sự đi trước, đón đầu và đổi mới. Vậy nên, khi nghiên cứu công nghệ đó phải đảm bảo đi trước thời đại và mở ra một trào lưu mới trong ngành. Đó là cách BlueScope sử dụng R&D để trở thành vũ khí cạnh tranh.
Khi mới gia nhập thị trường, tôn mạ Việt Nam chủ yếu sử dụng tôn mạ một lớp (tôn kẽm) dễ bị ăn mòn, rỉ sét và tuổi thọ thấp. Vì vậy, việc BlueScope lần đầu đưa công nghệ mạ hai lớp nhôm kẽm (tôn lạnh) vào Việt Nam năm 2005 đã góp phần đánh dấu vai trò là người mở đường cho sự phát triển công nghệ của ngành tôn mạ nước nhà lên một tầm cao mới.
Song, với tâm niệm đột phá và đột phá hơn nữa công nghệ mạ tôn, hướng đến những công trình có tuổi thọ bền bỉ, giải quyết các vấn đề rỉ sét vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tại các khu vực môi trường ô nhiễm, dễ ăn mòn, năm 2019, chúng tôi một lần nữa giới thiệu thêm một tiêu chuẩn tôn mạ đột phá, công nghệ mạ 4 lớp với bí quyết từ BlueScope. Nếu nhìn dọc ba miền đất nước, không khó để gọi tên những công trình lớn như nhà máy ô tô Vinfast, Thaco, BW Hải Phòng, nhà máy lọc dầu Long Sơn, nhà máy bia Heineken, hay nhà máy điện tử Goertek ... đã ứng dụng tôn mạ bốn lớp này của chúng tôi.
- Quá trình nghiên cứu công nghệ mạ 4 lớp diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi bắt đầu tiến hành nghiên cứu và phát triển công nghệ này cách đây hơn 20 năm, với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu AUD, hàng chục nghìn tấm mẫu đã được thử nghiệm phun muối trong phòng thí nghiệm, phơi mẫu tại các điểm khác nhau ở Australia và trên toàn thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều nhà mẫu và mô hình với các ứng dụng khác nhau được xây dựng để thử nghiệm trong điều kiện thực tế và trong môi trường biển khắc nghiệt để minh chứng cho chất lượng. Công nghệ mạ ma trận 4 lớp ra đời từ đây, khắc phục những nhược điểm của công nghệ mạ 2 lớp. Công nghệ này đã được ứng dụng cho tất cả dòng sản phẩm tôn mạ, công nghệ Inok cho phân khúc dân dụng và công nghệ Aactivate cho phân khúc công nghiệp. Chính tầm nhìn dài hạn và quyết tâm luôn đổi mới bất biến trước mọi thay đổi của thời cuộc là chìa khóa giúp chúng tôi vững bước trong chiến lược của mình như vậy.
Kể cả với xu hướng xây dựng xanh như hiện nay, chúng tôi cũng đã đón đầu và ra mắt các công nghệ để hỗ trợ chủ đầu tư được cấp chứng nhận Leed như công nghệ phản xạ năng lượng Thermatech, giúp giảm sự hấp thụ nhiệt từ mặt trời, nhờ đó giảm nhiệt độ bề mặt của tôn. NS BlueScope còn được Hội đồng công trình xanh Singapore cấp giấy chứng nhận nhãn xanh cho tất cả các dòng sản phẩm trong phân khúc dân dung và dự án. Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được chứng nhận thế giới Responsible Steel dành cho nhà sản xuất thép mạ bền vững, có trách nhiệm vào cuối năm nay nhân dịp kỷ niệm tròn 30 năm hoạt động tại Việt Nam.
Có thể nói mọi dấu ấn chúng tôi có được tại Việt Nam đều không thể thiếu bóng dáng của R&D; và ngọn lửa giúp sự nhiệt huyết cho R&D luôn cháy chính là tầm nhìn dài hạn với một sự kiên định trước mọi biến đổi của thời cuộc.