Bất động sản

Vì sao 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận bị yêu cầu ngừng giao dịch?

Bình Thuận điểm danh 33 dự án phạm luật

Mới đây, ông Phan Dương Cường - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận - đã có văn bản gửi các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản yêu cầu chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Kèm theo văn bản là Phụ lục 33 dự án được yêu cầu chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản, có 17 án là các khu dân cư, khu đô thị; 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng.

17 dự án là các khu dân cư, khu đô thị, điển hình như: KDC HTV.BT Phan Rí Cừa (Công ty HTV.BT Việt Nam), KDC Tiến Lợi (Công ty Toàn Thịnh), KĐT phường Đức Long (Công ty Trường Phúc Hải), KDC Nam Hà 2, 3 (Công ty Nam Hà - Đức Linh), KĐT mới Phước Hội (Công ty GPTC Phước Hội), KDC Tân Việt Phát 2 (Công ty Tân Việt Phát)…

16 dự án du lịch nghỉ dưỡng như: Khu biệt thự cao cấp Casalavanda (Công ty Khang Linh), KDL King Sea Phan Thiết (Công ty Đại Thanh Quang), Dự án sân golf Hòn Rơm (Công ty S.I), KDL nghỉ dưỡng APEC MANDALA WYNDHAM Mũi Né (Công ty IDJ Việt Nam), KDC sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (Công ty Danh Việt)…

Vì sao 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận bị yêu cầu ngừng giao dịch? - Ảnh 1.

Công văn yêu cầu chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng của Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận.

Lý do yêu cầu trên xuất phát từ việc các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. Một số dự án mới được chấp thuận chủ chủ trương đầu tư hoặc đã được cấp phép nhưng chưa làm xong hạ tầng. Một số dự án xây xong căn hộ nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ qua đất ở đô thị. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan cụ thể về vấn đề này.

Văn bản nêu rõ, theo phản ánh của báo chí và đơn thư kiến nghị của người dân gửi đến Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, thông tin trên mạng Internet và các mạng xã hội khác, chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh bất động sản không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. Việc này có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, văn bản yêu cầu các chủ đầu tư không ký hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để giao dịch mua bán, chuyển nhượng, nhận giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí. Không được triển khai đăng tải trên Internet và các mạng xã hội về các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch khi dự án chưa đủ điều kiện giao dịch.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản phải công khai thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 để các tổ chức, cá nhân biết khi thực hiện việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng.

Vì sao 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận bị yêu cầu ngừng giao dịch? - Ảnh 2.

KDL sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (Venezia Beach), một trong 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận chưa đủ điều kiện giao dịch.

Người đứng đầu Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản sớm hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khi đủ điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh theo quy định thì kịp thời báo cáo gửi đến Sở Xây dựng để đăng tải thông tin trên website của Sở Xây dựng.

Đối với các dự án bất động sản đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng, Sở Xây dựng đã đăng tải thông tin công khai trên website của Sở để người dân biết khi thực hiện việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng.

Vì sao 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận bị yêu cầu ngừng giao dịch? - Ảnh 3.

Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC MANDALA WYNDHAM MŨI NÉ - một trong 16 khu du lịch nghỉ dưỡng bị Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu chấn chỉnh.

“Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát thông tin các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng, nhưng vẫn cố tình thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, để chấn chỉnh kịp thời.

Thêm vào đó, Sở sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh; Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, văn bản nêu.

Vì sao 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận bị yêu cầu ngừng giao dịch? - Ảnh 4.

Nhiều nhà đầu từ "mất ăn mất ngủ" khi bỏ hàng tỷ đồng nhưng mua phải dự án không đủ điều kiện giao dịch. (Ảnh chụp KDL sinh thái biển cao cấp Lạc Việt - Venezia Beach)

Nhà đầu tư mất ăn mất ngủ

Thời gian vừa qua, tại Bình Thuận, nhiều người dân, nhà đầu tư bất động sản khi mua dự án nhà, chung cư, căn hộ…  mất ăn mất ngủ khi bỏ hàng tỷ đồng để mua dự án nhưng vẫn không được nhận nhà.

Đơn cử, người dân mua nhà tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (tên thương mại: Venezia Beach) về việc doanh nghiệp này chưa đủ điều kiện pháp lý đã rao bán, huy động vốn của người dân.

Bà Nguyễn Thị Trúc Linh - Khách hàng mua dự án Venezia Beach - cho biết, ngày 22/08/2022, bà và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt ký Hợp đồng đặt cọc để đảm bảo việc ký kết Hợp đồng mua bán nhà Phân khu The Venice tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt.

Theo Hợp đồng đặt cọc mà hai bên đã ký kết thì tôi phải thanh toán cho phía Công ty Danh Việt số tiền là 11.068.400.000 VNĐ trên tổng giá trị nhà với số tiền là 15.812.000.000 VNĐ.

Theo đó, cho tới thời điểm hiện tại tổng số tiền mà bà Linh đã thực hiện thanh toán cho Công ty Danh Việt là 3.368.640.000 VNĐ .

"Lúc giới thiệu sản phẩm, nhân viên môi giới nói như "rót mật vào tai" và cam kết về tình pháp lý dự án. Do không hiểu biết cặn kẽ, nên khi nhân viên đưa ra giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, sơ đồ, bản vẽ... thì tôi cũng đã an tâm xuống tiền.

Tuy nhiên, vừa qua dự án trên bị UBND tỉnh “bêu tên” trong danh sách 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng theo quy định pháp luật. tôi đứng ngồi không yên, lúc này mới hay mình mua phải dự án chưa hoàn chỉnh pháp lý", bà Linh nói.

Vì sao 33 dự án bất động sản ở Bình Thuận bị yêu cầu ngừng giao dịch? - Ảnh 5.

Năm 2021, Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (tên thương mại: Venezia Beach) còn bị nhiều hộ dân hộ khiếu nại vì cho rằng chủ đầu tư lấy đất làm dự án nhưng họ chưa nhận được đền bù.

Không những thế, sau khi tìm hiểu về dự án Khu Du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận của Công ty Danh Việt thì bà được biết, theo Hợp đồng đặt cọc thì Công ty Danh Việt có cam kết hỗ trợ bà thế chấp nhà tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện thủ tục cấp tín dụng cho mục đích thanh toán khoản tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, dự án này đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Danh Việt  vào năm 2010 và sau đó Công ty Danh Việt đã thực hiện thế chấp toàn bộ dự án này cho ngân hàng.

Tôi đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư trả lại tiền đã đặt cọc do những vấn đề kể trên nhưng không được chấp thuận. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngành BĐS đang gặp khó mà những người mua dự án như chúng tôi lại bị chủ đầu tư “lươn lẹo” như thế này thì quả thực rất mất niềm tin”, bà Linh cho biết.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm