Doanh nghiệp

UOB kỳ vọng tạo thêm dòng vốn FDI vào Việt Nam

Trong khuôn khổ "Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore" lần đầu tổ chức tại Hà Nội sáng 7/7, Ngân hàng UOB tái ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB, biên bản tạo điều kiện cho dòng vốn FDI vào Việt Nam, từ đó, mang đến việc làm cho người lao động.

"UOB sẽ thúc đẩy nguồn vốn FDI có chất lượng vào Việt Nam, tập trung vào công nghệ, số hóa, tính bền vững, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn và dịch vụ tài chính", ông Wee Ee Cheong thông tin.

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB. Ảnh: SRBF

Ông Wee Ee Cheong, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn UOB. Ảnh: SRBF

Phân tích tiềm năng dẫn vốn FDI vào Việt Nam, ông Sam Cheong, Giám đốc khối Tư vấn Đầu tư nước ngoài và Kết nối đối tác, Tập đoàn UOB, cho biết: "Cơ cấu dân số trẻ và mức độ thâm nhập của các thiết bị di động tạo động lực cho nền kinh tế số". Lực lượng lao động nội địa gần 100 triệu người với tầng lớp trung lưu phát triển, tạo ra thị trường có sức mua cao, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhờ triển vọng kinh tế tích cực và môi trường kinh doanh hiệu quả, Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Đây cũng là một trong những điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động, với định hướng trở thành quốc gia có tầm nhìn và nỗ lực hiện thực hoá cam kết từ Hội nghị Biến đối khí hậu của Liên hợp quốc (COP26). Điều này giúp thu hút đầu tư chất lượng cao, hướng tới phát thải carbon và tăng trưởng bền vững.

Song, bên cạnh những thuận lợi, căng thẳng địa chính trị kéo dài khiến việc thu hút đầu tư FDI sẽ tạo ra khó khăn đối với Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác. Chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), sẽ áp dụng cho 141 quốc gia gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024 mang đến lực cản trong việc thu hút FDI với Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài.

UOB ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với FIA. Ảnh: SRBF

UOB ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với FIA. Ảnh: SRBF

Để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam cần cải thiện tốt hơn cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và chất lượng lao động và khung pháp lý phù hợp. UOB cũng nâng cao vai trò cầu nối dẫn vốn FDI vào Việt Nam thông qua biên bản ghi nhớ.

Hiện, nhà băng này có mạng lưới ASEAN rộng lớn cho phép hỗ trợ khách hàng mở rộng hoạt động kinh doanh. Tận dụng khả năng kết nối khu vực, UOB sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động.

Tương lai, ông Sam Cheong dự báo, Việt Nam có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ... "Các dự án FDI xanh vào Việt Nam đã tăng lên, tiềm năng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư giúp chuyển đổi nền kinh tế trong nước", ông Sam Cheong chia sẻ.

Trước đó, ngân hàng này lần đầu ký biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với FIA vào 2015. Cuối năm 2020, biên bản này được gia hạn giữa UOB và FIA nhằm thúc đẩy thêm 1,5 tỷ SGD, tương đương 25.000 tỷ đồng vốn FDI. Từ 2015, đơn vị tư vấn FDI của UOB đã hỗ trợ hơn 250 công ty mở rộng hoạt động sang Việt Nam, từ đó, góp phần tạo ra hơn 30.000 cơ hội việc làm và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trị giá hơn 5,8 tỷ SGD vào Việt Nam.

Phần lớn dòng vốn FDI đều được thu hút thông qua các Trung tâm tư vấn FDI của UOB trải dài khắp châu Á. Năm 2013, nhận thấy tiềm năng thu hút vốn FDI của thị trường Việt, nhà băng này đã lập Trung tâm tư vấn FDI. Năm nay, UOB cũng kỷ niệm 10 năm thành lập trung tâm tư vấn FDI tại Việt Nam.

Hiện, UOB có 10 trung tâm tư vấn FDI trên khắp châu Á bao gồm: Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông để thúc đẩy dòng vốn đầu tư và hoạt động thương mại trong khu vực. Trung tâm tư vấn FDI thứ 10 vừa được UOB khai trương tại Nhật Bản vào tháng 6 vừa qua, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm