Bất động sản

10 doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số trong quý III/2023

Trái ngược với diễn biến thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn về thanh khoản, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán bật tăng mạnh so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Wichart.vn đến ngày 2/11, có 35 doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng lợi nhuận trong quý III/2023. Trong đó, có 10 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số.

Tuy nhiên, dữ liệu này không phản ánh tình hình kinh doanh tích cực mà tăng trưởng so với mức nền rất thấp từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng ở cùng kỳ. Đồng thời, phần lớn nhóm doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh không ổn định và dòng tiền kinh doanh âm liên tục ở nhiều kỳ kế toán (trừ Nam Long và Sonadezi Châu Đức).

10 doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số trong quý III/2023. Đvt: Tỷ đồng. (Nguồn: Wichart.vn).

CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (Mã: VC3) là doanh nghiệp tăng trưởng lãi ròng cao nhất ngành với 32 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng hơn 1 tỷ đồng) do doanh nghiệp đã đủ điều kiện ghi nhận lợi nhuận từ dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 (La Celia City) có quy mô hơn 18 ha tại Đồng Hới, Quảng Bình.

Tính đến ngày 30/9, VC3 đã đầu tư hơn 1.877 tỷ đồng và ghi nhận phải thu gần 40 tỷ đồng của khách hàng tại dự án nói trên. Ngoài ra, VC3 đang triển khai các dự án Khu dân cư Vinaconex 3 - Phổ Yên, The Charm - Bình Dương…

(Nguồn: Hồng Vịnh tổng hợp; Đồ họa: Hồng Vịnh).

CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, Mã: SJS) lãi ròng hơn 35 tỷ đồng trong quý (cùng kỳ lãi 3 tỷ đồng), được đóng góp từ dự án Nam An Khánh. Đây cũng là quý doanh nghiệp đạt biên lãi gộp cao nhất 4 năm qua với 42%.

Dự án Nam An Khánh có quy mô hơn 234 ha, nằm ở phía Tây Hà Nội, được xây dựng theo mô hình một tổ hợp nhà biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, văn phòng, trung tâm thương mại…

Tính đến ngày 30/9, Sudico phải thu hơn 100 tỷ đồng từ khách hàng mua dự án Nam An Khánh. Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Sudico phần lớn nằm ở dự án này với hơn 3.722 tỷ đồng, còn lại hơn 56 tỷ đồng ở dự án mở rộng phía Đông Nam - Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (Hòa Bình).

(Nguồn: Hồng Vịnh tổng hợp; Đồ họa: Hồng Vịnh).

Lãi ròng của CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) đạt 66 tỷ đồng trong quý (cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng), được đóng góp từ dự án trọng điểm Mizuki (quận 7) và phần thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hoãn lại.

Nam Long lý giải thêm do dự án Mizuki thuộc công ty liên doanh nên không được hợp nhất vào doanh thu, chỉ ghi nhận phần lợi nhuận phân bổ về, được ghi nhận ở lãi công ty liên doanh, liên kết.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) lãi ròng hơn 10 tỷ đồng trong quý (cùng kỳ lãi 1,6 tỷ đồng) nhưng được đóng góp chủ yếu từ hoạt động bán điện. Mảng bất động sản không ghi nhận doanh thu.

CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina (Mã: LSG) ghi nhận lãi ròng tăng trưởng hơn 480% nhưng con số giá trị tuyệt đối thực tế chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng trên quy mô tài sản khoảng 2.300 tỷ. Công ty có một dự án duy nhất ở hạng mục tồn kho là Chung cư Dragon Hill Premier (số 628 - 630 Võ Văn Kiệt, quận 5, TP HCM) với giá trị hơn 1.134 tỷ đồng, được doanh nghiệp triển khai trong 10 năm qua. Kết quả kinh doanh của Sài Gòn Vina không ổn định và có nhiều quý lỗ liên tiếp trong giai đoạn 2019 - 2020.

(Nguồn: Hồng Vịnh tổng hợp; Đồ họa: Hồng Vịnh).

CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (Mã: TIG), chủ đầu tư dự án Vườn Vua Resort & Villas (Phú Thọ) đạt 127 tỷ đồng lãi ròng trong quý, tăng 267% so với cùng kỳ.

Theo thông tin tự giới thiệu, TIG đang phát triển các sản phẩm dịch vụ bất động sản định cư châu Âu. Ngoài lĩnh vực bất động sản, TIG còn kinh doanh năng lượng tái tạo, đầu tư tài chính, chứng khoán…

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang được TIG ghi nhận tại ngày 30/9 trên 457 tỷ đồng, doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết về hạng mục này.

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House, Mã: TDH) đạt gần 7,8 tỷ đồng trong quý, tăng 226% so với cùng kỳ. Thuduc House cho biết doanh nghiệp đã thu hồi công nợ và không phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư chứng khoán như quý trước đó.

Lãi ròng của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) cũng tăng trưởng trên 200% khi ghi nhận 77 tỷ đồng, được đóng góp chủ yếu từ doanh thu cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Tân Đức theo hợp đồng thuê đã phát sinh trước năm 2022.

Hoạt động cho thuê đất và quản lý khu công nghiệp tăng trưởng, cùng với đóng góp từ bán bất động sản thương mại tại Khu dân cư Sonadezi Hữu Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu) giúp CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) lãi ròng hơn 55 tỷ trong quý, tăng hơn 136% so với cùng kỳ.

Tính đến ngày 30/9, Sonadezi Châu Đức ghi nhận chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 1.373 tỷ đồng tại hai dự án: Khu đô thị Châu Đức (1.228 tỷ đồng) và Khu dân cư Hữu Phước.

CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (long Giang Land, Mã: LGL) đạt 1,7 tỷ đồng trong quý, tăng 111% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết đã thu hồi được một phần khoản phải thu khó đòi và hoàn nhập trích lập dự phòng. Tuy nhiên, tổng nợ xấu tăng thêm 41 tỷ đồng từ hai cá nhân (hơn 30 tỷ) và các tổ chức, cá nhân khác (10,5 tỷ)

Tại ngày 30/9, Long Giang Land ghi nhận tồn kho trên 354 tỷ đồng, trong đó thành phẩm của dự án Thành Thái chiếm 279 tỷ đồng, chi phí dở dang của dự án Rivera Cần Thơ gần 55 tỷ đồng…

Trong đó, dự án Thành Thái gồm 288 căn hộ kèm cơ sở hạ tầng đã được cam kết bán cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 10 từ năm 2018 với giá trị 252 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay UBND TP HCM vẫn chưa phê duyệt giá trị đầu tư xây dựng công trình.

Cổ phiếu LGL vẫn đang trong diện cảnh báo do đơn vị kiểm toán đã có ý kiến ngoại trừ tại BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2023, liên quan đến dự án Khu biệt thự Rivera Mũi Né gồm 150 căn ở Phan Thiết, Bình Thuận.

 (Nguồn: Hồng Vịnh tổng hợp; Đồ họa: Hồng Vịnh).

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm