Sau loạt màn nâng ly chúc tụng, trò chuyện, hơn chục người trên bàn tiệc đã ngà ngà, người đàn ông ngồi giữa dáng chừng chủ tiệc quay sang nói với cô gái ngồi cạnh : “Cho bắt đầu đi em”.
Tiệc kèm âm nhạc “lên ngôi”
Nhạc công ôm guitar tiến lên khu vực được bày biện giống sân khấu, có đôi loa nhỏ, màn hình LED, bàn trộn âm thanh… Nhạc công cùng ca sỹ chơi bản nhạc giai điệu rộn ràng mở màn khiến tất cả thực khách đều đu đưa theo điệu nhạc.
Ca sỹ hát xong đến màn trình diễn của lần lượt những người trong bữa tiệc với phần đệm guitar chuyên nghiệp, hay không kém phần đệm ở các sân khấu lớn.
Đây là không khí của bữa tiệc kèm âm nhạc tại một nhà hàng trên phố Nguyễn Chánh (Hà Nội), được chủ nhân đặt tên là Tạm biệt thu 2023 diễn ra vào ngày đầu tháng 11.
Đã qua rồi cái thời bạn bè, đồng nghiệp,… đối tác ăn uống xong rủ nhau đi hát karaoke. Thay vào đó, những bữa tiệc có kèm âm nhạc như trên ngày càng trở nên phổ biến ở Hà Nội.
Theo anh Hoàng Văn Khánh - chủ bữa tiệc kèm âm nhạc, từ khoảng dăm bảy năm trở lại đây, anh không cùng bạn bè đi hát karaoke nữa mà chọn hình thức tiệc kèm âm nhạc . “Ăn xong rồi hát cùng với nhạc công ngay tại phòng tiệc vừa văn minh, lịch sự vừa đỡ tốn kém so với đi hát karaoke” – anh Khánh chia sẻ.
Anh kể, trước đây, mỗi lần đi hát karaoke, đặc biệt là những lần yêu cầu “tay vịn”, anh phải chi khoản phí lên đến chục triệu đồng. “Khi tất cả đã ngà ngà say, các cô gái phục vụ mở bia tràn lan, dù không uống đến. Rồi thì trái cây, thức ăn mang đến vô tội vạ, mình đâu có kiểm soát được. Chưa kể khoản “bo” cho các “tay vịn” mới thật sự khủng khiếp ” - anh Khánh kể.
Dân chơi ở Hà Nội không xa lạ với những màn thoát y của các cô gái phục vụ ở quán karaoke N.T - chốn ăn chơi khét tiếng ở Hà Nội. Khách phải “mua” từng mảnh trang phục của các cô gái. Cứ thế đến khi xiêm y trên người các cô gái đã được mua bằng sạch, ví của khách cũng xẹp lép với số tiền phải trả chạm ngưỡng chục triệu đồng.
“Với cách tổ chức tiệc có âm nhạc, chúng tôi vừa được hát với nhạc sống thoả thích, được nghe các ca sỹ trẻ hát những bài theo yêu cầu, lại vừa kiểm soát được chi phí” – anh Khánh nói và thông tin thêm, tiền bồi dưỡng cho nhạc công và âm thanh là 5 triệu đồng. Nếu có ca sỹ thì thêm 2 – 3 triệu đồng/người.
Một lý do nữa khiến các phòng karaoke đang dần bị chìm vào lãng quên là trong mùa dịch COVID-19 vừa qua, quán karaoke là nơi bị yêu cầu ngừng hoạt động đầu tiên vì nó tổ chức trong không gian kín, dễ dàng phát tán dịch bệnh.
Đặc biệt, sau đợt tổng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường ngày 7/10/2022, đã hơn năm trôi qua, các quán karaoke ở Hà Nội vẫn dừng hoạt động. Việc vắng bóng quá lâu khiến nhiều khách hàng không còn mặn mà với loại hình giải trí này.
Tiệc gia đình, đãi khách hút ca sỹ
Tại những bữa tiệc kèm âm nhạc thường có cả các ca sỹ trẻ. Họ là sinh viên các trường nghệ thuật, hoặc có thể là những ca sỹ trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng. Cá biệt có những “private show” (buổi trình diễn riêng tư) mời cả những ca sỹ nổi tiếng.
Á quân một chương trình trên truyền hình chia sẻ, anh không ngại tham gia biểu diễn tại các buổi tiệc được tổ chức tại gia bởi với anh, sân khấu nào dù lớn hay nhỏ miễn là được hát, được đem tiếng hát của mình dành tặng cho những người yêu thương mình và thoả sức với đam mê.
Thời gian sau dịch COVID-19, các hoạt động giải trí chưa thực sự được hồi sinh. Do đó, những bữa tiệc tại gia là nơi giúp anh có thể thỏa mãn niềm đam mê ca hát. "Với người khác thế nào tôi không biết, chứ với tôi, nhiều khi chỉ cần được cất tiếng hát, được nghe những tiếng vỗ tay của mọi người, cũng đủ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc.
Hơn nữa, các buổi biểu diễn thế này, dù nhỏ nhưng lại là nơi tôi học hỏi được rất nhiều thứ. Đó là nơi giúp tôi tìm tòi và hoàn thiện phong cách biểu diễn, cách hát cũng như cách giao lưu, trò chuyện với khán giả. Vì không gian nhỏ nên tôi dễ dàng nắm bắt được cảm xúc của mọi người, có thể cảm nhận rõ, họ thích mình hát như thế nào, trình diễn ra sao. Điều này giúp tôi hoàn thiện bản thân để từng bước chinh phục những sân khấu lớn sau này".
Một nghệ sĩ guitar cho hay, thời gian qua, anh nhận được không ít lời mời tham gia biểu diễn tại các bữa tiệc gia đình, tiệc riêng tư. Anh cho biết: "Hình thức tổ chức biểu diễn tại những bữa tiệc riêng tư, tiệc gia đình này cũng có lâu rồi nhưng mấy năm gần đây xuất hiện nhiều hơn. Tùy từng thời điểm trong năm, những bữa tiệc như vậy được tổ chức ra để gia chủ mời bạn bè đến chung vui, giao lưu và nghệ sĩ chúng tôi góp phần tạo không khí cho buổi tiệc đó”.
Nghệ sĩ này cho hay và không ngại tiết lộ, mức cát-sê cho những ca sĩ, nghệ sĩ ở các buổi tiệc riêng tư, tiệc tại gia cũng không quá cao. Tuy nhiên, những bữa tiệc như vậy sẽ có thêm một số yêu cầu nhỏ về trang phục, biểu diễn và phần này sẽ được tính thù lao riêng.
“Tùy vào từng chương trình và yêu cầu của khách, chúng tôi sẽ chuẩn bị trang phục, đồng phục cho phù hợp. Những yêu cầu này sẽ có tính thêm chi phí. Trong các sự kiện gia đình mức cát-sê của tôi chỉ có 5 triệu đồng thôi, thêm các bạn ca sỹ sẽ có chi phí khác" – nghệ sĩ guitar giải thích rõ thêm.
Cao Diệu Linh không phải là ca sĩ, cũng không phải là sinh viên nghệ thuật. Tuy nhiên, do sở hữu giọng hát ấn tương, cộng thêm vẻ ngoài ưa nhìn, cô rất đắt show tại các bữa tiệc tại gia.
Chia sẻ với VTC News, Cao Diệu Linh cho biết, đây hoàn toàn là những hoạt động giải trí lành mạnh. Mấy năm gần đây, khi các quán karaoke ở Hà Nội chưa được mở cửa trở lại, các buổi tiệc này ngày càng phổ biến.
Chủ tiệc thường mời một vài nhạc công, thậm chí chỉ cần một người chơi guitar tới rồi cùng nhau hát mộc. Không khí các buổi tiệc đó rất vui vẻ, ấm cúng.
Cũng theo Diệu Linh, tuy cô không phải là ca sĩ nhưng do được nhiều người giới thiệu nên cũng khá đắt show. Với cô, hát tại những sự kiện này, vừa được thỏa đam mê ca hát, vừa có thu nhập, nếu chẳng may gặp sự cố kỹ thuật thì cũng được mọi người thông cảm, thậm chí vỗ tay cổ vũ để mình hát lại.
“Tôi nghĩ, hình thức giải trí này sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới” – Diệu Linh nói.