Sức khỏe

Yêu cầu bệnh viện chuẩn bị khu cách ly Covid-19 ở thời điểm này có cần thiết?

Việt Nam ghi nhận 148 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành trong gần 5 tháng

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Hà Anh Đức vừa có công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế cho hay, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan...

Riêng tại Thái Lan, Trung tâm thông tin Covid-19 của Chính phủ nước này thông báo số ca mắc Covid-19 đã tăng vọt với tổng cộng hơn 71.000 ca nhiễm và 19 ca tử vong từ ngày 1/1 đến ngày 14/5.

"Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong", thông tin từ Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay.

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, một trong những đơn vị từng tiếp nhận các ca bệnh Covid-19 nặng trong đợt dịch 4-5 năm trước, cho hay hiện chưa ghi nhận sự gia tăng bất thường nhóm bệnh nhân nhiễm trùng hô hấp. 

"Chúng tôi chưa ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng bệnh nhân đến khám bệnh do nhiễm Covid-19 hay số bệnh nhân mắc Covid-19 nặng phải nhập viện", vị lãnh đạo cho biết.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch Covid-19, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị giám đốc các bệnh viện, giám đốc sở y tế rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, của cơ sở khám chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch.

Theo yêu cầu của cơ quan thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện "không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ". Đồng thời, các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị và thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

W-covid.jpeg
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm. Ảnh: Võ Thu

Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh. Các đơn vị cũng cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi,…), khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…

Thời điểm này, có cần thiết phải cách ly người bệnh?

Sau khi có văn bản yêu cầu "chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị Covid-19" của Cục Quản lý khám chữa bệnh, không ít ý kiến cho rằng "điều này không cần thiết" bởi bản thân khu/khoa Truyền nhiễm tại các bệnh viện hiện vẫn có phòng cách ly.

"Không chỉ riêng người mắc Covid-19 cần cách ly mà các bệnh nhân truyền nhiễm khác (như bạch hầu, ho gà) cũng được cách ly. Nguyên tắc chung của việc cách ly ra khu riêng là để đảm bảo không lây nhiễm chéo cho bệnh nhân khác trong khoa, trong viện, đặc biệt là với các bệnh nhân có bệnh nền", một chuyên gia trao đổi với VietNamNet

Nhìn nhận chỉ đạo của Bộ Y tế thể hiện sự chủ động, phòng chống từ xa, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng các đơn vị y tế không nên chủ quan, dù Covid-19 hiện đã ở nhóm B nhưng vẫn có một số nhóm người có nguy cơ diễn biến nặng.

Tuy nhiên, theo PGS Dũng, khả năng lây lan rộng trong cộng đồng của bệnh này hiện nay là thấp, người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá mà cần đảm bảo các biện pháp phòng bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế, gồm: Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế; Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết); Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý...

Trước đó, tháng 10/2023, Bộ Y tế điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (cùng nhóm với bệnh do virus Zika, virus Adeno, cúm, lao phổi, dại, ho gà, quai bị...).

Các bệnh truyền nhiễm nhóm B được định nghĩa là bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, khác với nhóm A (nhóm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Theo đó, các hoạt động phòng, chống Covid-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Các tin khác

Lý do dự án đường nghìn tỷ ở Hà Tĩnh thi công "nhảy cóc"

Tuyến đường trục chính trung tâm nối quốc lộ 1 đến cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương là dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng với kỳ vọng kết nối, phát triển khu kinh tế phía nam Hà Tĩnh, song do vướng mặt bằng nên nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”.

Từ 2/9, Hà Nội sẽ có vé liên thông xe bus, metro

Theo đại diện Sở Xây dựng TP. Hà Nội, hệ thống này không chỉ liên thông với vận tải hành khách công cộng mà còn liên thông với thu phí tự động, các bến bãi đỗ xe và sử dụng dịch vụ không chỉ trên địa bàn Thủ đô.

Tin mới về đàm phán thuế quan Việt - Mỹ

Trong ngày đầu tiên của phiên đàm phán, đoàn Việt Nam và Mỹ đã dành thời gian để thảo luận về cách tiếp cận tổng thể nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản mà hai bên cùng quan tâm và đẩy nhanh quá trình đàm phán.

Cổ phiếu họ Vingroup dậy sóng

4 cổ phiếu liên quan đến Vingroup đồng loạt tăng vọt, trong đó VIC và VHM cùng chạm trần, giúp VN-Index có phiên hứng khởi nhất hai tuần qua.

Cuộc đua hút tiền gửi: VPBank, SHB, HDBank bứt phá, Vietcombank, TPBank, SeABank bất ngờ tăng trưởng âm

Tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank giảm hơn 5.500 tỷ đồng trong quý đầu năm sau khi ông lớn này có liên tiếp 2 quý cuối năm 2024 bùng nổ. TPBank và SeABank cũng đi ngược xu hướng khi giảm tới gần 9.700 tỷ đồng và 8.300 tỷ đồng. Trong khi đó, VPBank có quý hút tiền gửi mạnh nhất từ trước tới nay.

Đồ ăn nhanh ở Việt Nam - cuộc đua khốc liệt của thị trường tỷ USD

Bản địa hóa - điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ phù hợp với khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người Việt là yếu tố sống còn của các thương hiệu quốc tế khi thị trường đồ ăn nhanh tăng trưởng sôi động, trở thành "đấu trường" cạnh tranh giành thị phần.