Kỹ năng sống

Ý nghĩa sau bức tượng rùa và thỏ ở Boston Marathon

Vào ngày thứ hai của tuần thứ ba, tháng 4 mỗi năm, hàng chục nghìn vận động viên đủ điều kiện tới từ khắp nơi trên thế giới sẽ sải bước trên đường đua Boston Marathon - giải chạy lâu đời nhất hành tinh.

Sau khi bứt tốc, chạy nhanh hoặc chậm rãi hết 42km, họ sẽ băng qua vạch đích trước Thư viện công cộng Boston nằm trên phố Boylston. Cách đó một dãy nhà là quảng trường Copley - nơi runner có thể ngắm hai bức tượng rùa và thỏ bằng đồng, dùng để tôn vinh những người đã hoàn thành Boston Marathon.

Bức tượng đồng thỏ và rùa tại Boston.

Bức tượng đồng rùa và thỏ tại Boston. Ảnh: Wikipedia

Đây là hai bức tượng được điêu khắc bởi Nancy Schön một nghệ nhân địa phương, đồng thời cũng là một vận động viên marathon. Nancy muốn tạo ra một công trình nghệ thuật để tôn vinh những người chạy marathon, nhưng thật khó để tìm một hình ảnh đại diện cho tất cả vốn khác nhau về giới tính, màu da hay quốc tịch.

Chính vì vậy, hình tượng rùa và thỏ trong truyện ngụ ngôn của Aesop đã được sử dụng để thể hiện hình ảnh của các chân chạy trên khắp thế giới. Thỏ là đại diện cho hình ảnh của những vận động viên elite, các chân chạy chuyên nghiệp, trong khi rùa biểu tượng cho các vận động viên khuyết tật, những người không chuyên... cần mẫn chạy trên xe lăn dọc theo cung đường marathon tại Boston mỗi mùa xuân.

Hai bức tượng đồng rùa và thỏ được đúc tại Chelsea và đưa về đặt tại Boston vào tháng 5/1995, chính thức ra mắt vào năm 1996 nhân kỷ niệm 100 năm của Boston Marathon.

Nancy Schön chia sẻ, hình tượng rùa và thỏ "ẩn dụ" cho những chân dung khác nhau trên mỗi cung đường marathon. Những vận động viên ưu tú nhất sẽ chạy nước rút băng qua vạch đích, trong khi nhiều người chật vật để hoàn thành. Một số khác chạy vì mục đích từ thiện, hoặc thử thách cá nhân, hay cũng có thể là tận hưởng niềm vui khi hoàn thành cuôc đua. Nhiều người thậm chí vẫn tiếp tục chạy hàng giờ sau khi đám đông đã về đích. Nhà điêu khắc nhấn mạnh, có nhiều cách để chiến thắng một cuộc đua, không nhất thiết là phải là người băng qua vạch đích đầu tiên.

Bức tượng rùa và thỏ bằng đồng đặt trên phố Boylston là công trình nghệ thuật thân thiện với trẻ em. Chúng cũng là lời nhắc nhở rằng tốc độ không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tuyệt đối. Với một người chạy bộ, đôi khi việc kiên trì sải bước, chịu đựng khó khăn và từ chối bỏ cuộc cũng là một "khuôn mặt" khác của chiến thắng.

(Theo The next face blog)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm